Ông Yashushi Ogura giúp người dân Cao nguyên đá làm dịch vụ du lịch
BHG - Mỗi tháng, ông Yashushi Ogura ở Nhật Bản 18 ngày chăm sóc mẹ già, còn lại 12 ngày ông sang Việt Nam giúp bà con người dân tộc Lô Lô tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, phát triển kinh tế từ dịch vụ du lịch, thông qua việc cấp vốn giúp một hộ dân mở quán Cà phê Cực Bắc tại xã.
Gia đình ông Yasushi Ogura từ Nhật sang thăm Đồng Văn và chụp ảnh tại quán Cà phê cực Bắc. |
Năm 2002, ông Yashushi Ogura lần đầu đặt chân lên mảnh đất Lũng Cú. Trước sự hấp dẫn bởi con người thân thiện, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, phong tục tập quán độc đáo; ông Yashushi Ogura đã trót yêu vùng cao núi đá miền biên viễn này. Năm 2015, ông bỏ vốn 200 triệu đồng giúp một gia đình người Lô Lô mở quán Cà phê Cực Bắc ngay chính tại ngôi nhà của họ dưới chân cột cờ Lũng Cú. Ngôi nhà trình tường cổ khoảng 100 năm tuổi vẫn còn nguyên vẹn, khiến ông mê mẩn ngay từ lần đầu đến thăm. Quán cà phê tuy nằm ở vị trí heo hút, nhưng ông Yasushi Ogura chọn xây dựng quán với ý tưởng giữ nguyên giá trị, bảo tồn văn hóa, kiến trúc và mời thầy từ Hà Nội lên dạy chủ nhà cách pha cà phê, dạy tiếng Anh, hướng dẫn các kỹ năng cơ bản đón tiếp, phục vụ khách. Từ ngày mới được xây dựng cho đến nay, quán Cà phê Cực Bắc luôn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến Đồng Văn.
Ông Yasushi Ogura và chủ nhà người dân tộc Lô Lô. |
Cứ mỗi tháng, ông Yasushi Ogura dành 12 ngày ở Hà Giang để làm công việc của một hướng dẫn viên du lịch, dẫn du khách nước ngoài đi khắp các bản làng trên vùng cao núi đá, 18 ngày còn lại ông trở về Tokyo Nhật Bản để chăm sóc mẹ già. Trong suốt những năm qua, ông luôn có những chuyến bay đi, về giữa Việt Nam và Nhật Bản vì nghĩa vụ của người làm con và tình yêu miền núi đá vùng cao Hà Giang và con người nơi đây. Cái tên Yashushi Ogura giờ đây không còn xa lạ đối với những người làm du lịch trên đất Hà Giang. Mỗi năm, du khách từ Nhật Bản và các nước trên thế giới tìm đến Cao nguyên đá Đồng Văn ngày một nhiều hơn. Một phần nhờ ông góp phần đưa phóng viên một số Đài truyền hình, Báo, Tạp chí… của Nhật Bản đến Hà Giang thực hiện những phóng sự đặc biệt về du lịch cực Bắc. Thông qua những kênh thông tin quảng cáo của nước Nhật, khiến nhiều dân phượt và nhiều khách du lịch, ai cũng khao khát được một lần đặt chân đến nơi đây.
Ông trải lòng: “Đến vùng cao núi đá Hà Giang để giúp người dân phát triển kinh tế bằng du lịch với sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ thực sự là một việc không dễ dàng. Nhưng tôi yêu mảnh đất này và muốn ở lại nơi đây nên quyết định tự học tiếng Việt. Đến nay, dù đã đi rất nhiều tỉnh, thành; nhưng Hà Giang mới là nơi để lại những điều đặc biệt nhất trong tôi. Tôi thích những ngôi nhà trình tường cổ, đặc biệt là phong tục, trang phục của người dân tộc Lô Lô”.
Gắn bó với Hà Giang đến nay đã hơn 20 năm, không có bản làng nào trên dải đất biên cương này ông Yasushi Ogura chưa đặt chân đến, những nơi ông đến luôn được người dân chào đón, yêu thương. Ông không nhớ nổi mình đã dự bao nhiêu đám cưới, tham gia bao nhiêu lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên mảnh đất xa xôi và nghèo khó này. Hà Giang với ông như là nhà, là quê hương thứ hai dù phải vượt qua những con đường hiểm trở, cheo leo, lượn quanh núi đá để đến với nơi này, nhưng ông chẳng nản lòng.
Để khai thác tiềm năng du lịch, theo ông Yasushi Ogura, tỉnh ta cần bảo tồn cảnh quan, gìn giữ văn hóa và những phong tục, tập quán, làng nghề, đặc sản, ẩm thực truyền thống… đó là một trong những tiêu chí cần đặc biệt quan tâm để thu hút du khách du lịch trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊ DỊU
Ý kiến bạn đọc