Còn đó nỗi đau bom, mìn
BHG - Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã qua đi 30 năm, nhưng vẫn còn không ít bom, mìn sót lại và gây ra những thảm họa kinh hoàng đối với bao người dân tại các thôn trong vùng chiến sự xưa thuộc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Mặc dù nhiều đơn vị công binh đã nỗ lực rà phá để mang lại bình yên cho mảnh đất này; nhưng nhiều diện tích vẫn chưa hoàn toàn sạch bom, mìn. Những năm qua, trên địa bàn xã Thanh Thủy vẫn thường xảy ra những vụ nổ do vướng mìn gây nên cảnh đau đớn, thương tâm.
Điểm cao 772 thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) cần được rà phá vật cản để mở rộng diện tích canh tác và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. |
Theo thống kê của UBND xã Thanh Thủy, từ khi kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1989) đến nay, đã xảy ra 45 vụ người dân bị vướng mìn trong khi chăn thả gia súc hoặc phát nương, làm rẫy; nhiều người cụt chân, tay, hỏng mắt, thậm chí tử vong… những nạn nhân này chủ yếu là lao động chính, trụ cột trong gia đình, nên sau khi gặp nạn đã lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Tại Thanh Thủy, nạn nhân bom, mìn tập trung chủ yếu ở các thôn: Giang Nam, Nặm Ngặt, Nà Sát, Thanh Sơn, Nà Toong, Cốc Nghè; trong đó, thôn Giang Nam có 19 nạn nhân. Đây là khu vực trung tâm của xã, diện tích đất canh tác nông nghiệp hầu hết đã quy hoạch vào Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy; người dân không còn đất canh tác, họ phải mưu sinh bằng các nghề lao động phổ thông, làm thuê, làm mướn cho các doanh nghiệp trong khu vực. Đối với các nạn nhân bom, mìn càng khó khăn hơn vì lý do sức khỏe, năng suất lao động không cao dẫn đến thu nhập thấp.
Nạn nhân Bồn Văn Hòn, xã Thanh Thủy 2 lần bị vướng mìn. |
Ông Nông Đình Dũng, thôn Giang Nam, cho biết: Sau khi diện tích ruộng của gia đình được đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng khu kinh tế; gia đình đã chuyển hướng làm trang trại chăn nuôi trên khu vực đồi rừng còn lại. Có những lúc trang trại dê của gia đình lên tới 40 con, cũng tạm trang trải cuộc sống. Nhưng rồi, thảm họa đã xảy ra trong một lần đi chăn dê dẫm phải mìn và mất bàn chân phải, từ đó, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, thu nhập bấp bênh. Trường hợp của ông Bồn Văn Hòn, đội 7, thôn Nặm Ngặt hết sức thương tâm. Năm 2000, ông cùng 2 em vào rừng lấy cây dựng nhà; trong ngày kinh hoàng đó, mìn đã cướp đi chân phải của ông, một người em bị cụt tay, một người không còn trở về. Số phận đen đủi chưa dừng lại ở đó, năm 2004, ông Hòn cùng con rể đi chăn thả gia súc, hai cha con lại vướng mìn; ông Hòn mất đi chân còn lại, người con rể bị mù mắt. Bà Đặng Thị Trằn, thôn Nặm Ngặt năm nay 63 tuổi và vẫn mang trong người nhiều mảnh mìn từ năm 1996, do mìn nổ khi đi phát nương, làm rẫy. Có thể nói, nỗi đau, sự kinh hoàng đó sẽ còn đeo bám dai dẳng đối với họ trong suốt cuộc đời.
Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Lý Xuân Lìn, cho biết: Thực hiện Chương trình hành động Quốc gia khắc phụ hậu quả bom, mìn sau chiến tranh; các đơn vị công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh, Quân khu II đã tiến hành nhiều đợt rà phá vật cản. Giai đoạn 2004 - 2010, Lữ đoàn 543, Sư đoàn 316 đã rà phá được 502 ha tại thôn Giang Nam và thôn Nặm Ngặt. Giai đoạn 2010 - 2015 rà phá được thên 200 ha tại thôn Nà Toong và Cốc Nghè. Từ 2018 đến 2020 sẽ rà phá tiếp 200 ha tại điểm cao 772, thuộc thôn Nặm Ngặt. Trong rà phá vật cản, các đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo tiến độ về diện tích, thời gian, chất lượng để giải phóng diện tích cho bà con canh tác, sản xuất. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn xã còn trên 300 ha chưa được rà phá vật cản nổ; đây thực sự là hiểm họa khôn lường cho người, gia súc trên địa bàn. Đảng ủy, chính quyền xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng, Đồn Công an Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Đoàn kinh tế 313 đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nhằm hạn chế canh tác, chăn thả gia súc trong khu vực chưa được rà phá...
Hiện, tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân vẫn đang đứng trước những hiểm họa khôn lường bởi bom, mìn chưa được rà phá triệt để. Hậu quả của bom, mìn là nỗi đau mất mát cho mỗi gia đình, mỗi người dân sống trong vùng ô nhiễm. Ngoài ra, vật cản nổ còn gây khó khăn cho công tác tuần tra đường biên, mốc giới cũng như tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh. Điều mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây là được Nhà nước, các đơn vị chuyên môn sớm triển khai rà phá vật cản nổ để bà con có điều kiện mở rộng diện tích canh tác, hạn chế được những tai nạn không đáng có xảy ra.
Bài, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc