Chuyện ở Bản Luốc
BHG - Cuối tháng 3 vừa qua, tôi trở lại xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì), xã cách đây 55 năm, tôi đã được công tác tại đây. Tròn 6 tháng ở xã, nhưng với tôi biết bao kỷ niệm của những tháng đầu được làm cán bộ, cũng là nơi tôi bắt đầu cộng tác với Báo Hà Giang.
Bản Luốc… ngày ấy
Đó là năm 1964, ngày đó, trụ sở xã nằm giữa đồi hoang của thôn Bản Luốc, xung quanh chẳng có nhà dân. Nhà làm việc là nhà trình tường, mái lợp cỏ gianh, nguồn nước sinh hoạt ở dưới hủm cách trụ sở khoảng 20 m. Hàng ngày có một giao thông do các thôn cử luân phiên lên xã làm nhiệm vụ gánh nước, lấy củi, nấu cơm và đưa công văn xuống thôn bản. Công việc tại trụ sở, thì lãnh đạo (chủ yếu là Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã) thay nhau trực mỗi người một tuần. Ngoài 30 kg gạo/tháng do huyện cấp chung, cán bộ xã không có phụ cấp gì.
Ông Triệu Đức Thanh gặp lại nguyên cán bộ xã Bản Luốc Đặng Ngọc Quyền (tháng 3.2019). Ảnh: Đặng Thị Phượng (Xã Bản Luốc) |
Khi ấy, xã có 8 thôn: Bình An, Thái Bình, Bản Luốc, Nậm Hồng, Cao Sơn, Bành Văn, Suôi Thầu và Nậm Lỳ; có 2 dân tộc Dao và Tày; đa số là người Dao, người Tày chỉ có ở Cao Sơn. 90% số hộ thiếu ăn, ruộng có nhưng khan hiếm nước, chỉ cấy một vụ, năng suất rất thấp. Ở 3 thôn: Cao Sơn, Bành Văn và Suôi Thầu đủ nước tưới năng suất cao hơn, nên số hộ thiếu ăn ít hơn. Dân Bản Luốc thời ấy trồng sắn để ăn thay cơm, đồi núi chủ yếu trồng sắn nên đất ngày càng bị trọc hóa. Cuộc sống của dân chật vật, đói thì ăn sắn thay cơm, đa số chỉ đủ ăn đến tháng 4 – 5, phải đi vay mượn hoặc đào sắn về ăn. Chưa có điện, dầu cũng hiếm, đêm tối chủ yếu là ánh lửa từ bếp. Phương tiện đi lại chỉ đôi chân với lối mòn quen thuộc. An ninh trật tự không ổn định, nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên. Do đó, phong trào chung Bản Luốc là xã yếu kém nhất huyện.
Được huyện phân công tăng cường về phụ trách xã, tôi cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND xã bàn cách khắc phục tình trạng yếu kém. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết: Chủ yếu do không tổ chức họp được, văn bản chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về xã, đều xếp đầy ngăn kéo, không triển khai tới dân. Từ những nguyên nhân đó, xã đề ra biện pháp phải có nội quy họp; cán bộ xã, thôn bản hay hợp tác xã phải đi họp để tiếp thu về phổ biến cho dân. Xây dựng nội quy nhưng phải của tập thể quân dân chính xã, dự thảo rồi tìm cách triển khai. Từ khi có nội quy của quân - dân - chính lần nào triệu tập họp cũng đông đủ thành phần, các chỉ thị, nghị quyết của huyện, của tỉnh đều được triển khai cụ thể. Được tiếp thu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện, dần dần, ý thức chấp hành của nhân dân được nâng lên; các phong trào chuyển biến, sôi nổi; trong đó nổi bật là phong trào lao động sản xuất trong các hợp tác xã, vệ sinh, phòng bệnh gắn với thu dọn phân chuồng đảm bảo sạch làng, tốt ruộng; giảm dần tệ nạn cờ bạc, trộm cắp. Cũng từ thực hiện tốt các phong trào, xã Bản Luốc chuyển biến từ yếu kém lên trung bình, rồi trung bình khá.
Chuyện viết bài cho Báo
Gọi viết báo cho “oai”, thực ra chỉ là đưa tin, đúng hơn là cung cấp tin về “người tốt, việc tốt” cho Báo Hà Giang.
Khi tôi được huyện điều về phụ trách xã Bản Luốc, cũng vào dịp ấy, Tờ tin Hà Giang nâng cấp lên thành Báo Hà Giang. Đọc báo Hà Giang, tôi cũng nảy ý định viết tin, bài cho báo, nhưng băn khoăn không biết viết thế nào. Thấy có mục chuyên đăng tin về những gương “người tốt, việc tốt”, mà ngay xã mình có ông Kiáng Tu Rai (dân tộc Dao áo dài), nhà ở thôn Bình An, chuyên chạy công văn, thư báo rất nhiệt tình với công việc. Ngày ấy, đường giao thông khó khăn, từ xã lên huyện và ngược lại, với quãng đường hơn 15 km đi bộ ra huyện (đi đường Bình An ra km 6 Vinh Quang - Nậm Dịch), ấy là chưa kể mưa to thì ông Rai phải đi đường vòng sang km 9 Nậm Dịch; cứ cách ngày đi một ngày, chẳng có phụ cấp gì mà ông vẫn đi đều. Có lần đi đến Phòng Bưu điện huyện bảo không có gì, ông Rai vẫn quay về xã báo cáo. Thấy ông tuổi cao, đi nhiều, sợ vất vả, lãnh đạo xã bảo ông: Hôm nào trời mưa to thì ông cứ nghỉ đã, chuyến sau đi tiếp cũng được. Ông nói: Không được đâu, nhỡ đúng hôm mình nghỉ, lại có công văn khẩn hay hỏa tốc, sẽ chậm chuyến làm cho khẩn, hỏa tốc thành công văn bình thường”.
Ông Triệu Đức Thanh (thứ 2 từ phải sang) kể với cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang về những kỷ niệm viết báo. Ảnh: HỮU THỤY |
Nhận thấy đây là người có ý thức trách nhiệm với công việc, nên tôi đã viết về Kiáng Tu Rai và được Báo Hà Giang biên tập, đăng tải trên mục “Người tốt - việc tốt”. Được tiếp sức từ bài báo, sự tiếp sức của Báo Hà Giang (Hà Tuyên), mà 55 năm qua, tôi thường xuyên cộng tác với Báo Hà Giang.
Sau 55 năm trở lại, Bản Luốc nay đã thay áo mới, toàn bộ trường học, trạm xá, trụ sở của xã được cứng hóa, tới mỗi bản làng nhà cửa khang trang, với hai con đường nhựa từ xã ra huyện và đi Nậm Dịch thuận êm. Được biết, đến hết năm 2018, toàn xã có 513 hộ (2.400 nhân khẩu) thì 430 hộ có điện lưới Quốc gia, chiếm 84% tổng số hộ trong xã có điện; 421 hộ có xe máy. 10/10 thôn có đường xe máy đến trụ sở thôn, trong đó 2 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn.
Chia tay Bản Luốc, in đậm trong tôi về tình cảm của bà con nơi đây, về Bản Luốc đang từng ngày thay da, đổi thịt. Đây cũng là nơi đã tạo cảm hứng cho tôi sáng tác và cộng tác với các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Hà Giang.
Triệu Đức Thanh
(Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh)
Ý kiến bạn đọc