Huyện Hoàng Su Phì đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
BHG - Trong điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, chất lượng GD&ĐT giữa các hệ đào tạo, các trường trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì còn chênh lệch và ngân sách chi cho giáo dục còn khiêm tốn… thì việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD), được xem là giải pháp tích cực, góp phần giúp ngành Giáo dục của huyện ngày một tốt hơn.
Đoàn từ thiện chùa Hưng Phúc (Hà Nội) trao hơn 700 suất quà trị giá gần 400 triệu đồng cho giáo viên và học sinh Liên trường xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì). |
Những năm gần đây, phong trào XHHGD của huyện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân địa phương. Đồng chí Lý Thị Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoàng Su Phì, cho biết: “Để thực hiện hiệu quả công tác XHHGD, thời gian qua, huyện luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; vận động XHHGD bằng nhiều biện pháp sáng tạo thông qua nhiều kênh khác nhau; trong đó, chú trọng các hoạt động giao lưu, trực tiếp tìm kiếm, thu hút nguồn đầu tư, đối tác đầu tư, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay hỗ trợ giáo dục huyện nhà phát triển bằng các hình thức, như: Trao học bổng, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, hiến đất, tặng sách, vở, tài liệu… Hiệu quả từ hoạt động XHHGD trên địa bàn thời gian qua đã được khẳng định với việc hệ thống trường, lớp ngày càng được quan tâm đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường học tập…”.
Tính từ năm học 2017 - 2018 đến nay, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã ủng hộ bằng tiền và hàng cho các trường ước tính trị giá hơn 14 tỷ đồng thông qua các tổ chức xã hội; các nhóm thiện nguyện hỗ trợ về hiện vật và kinh phí, như: Nhóm Ong Chăm đến từ thành phố Hà Nội thăm đã trao 55 suất quà cho học sinh mồ côi các xã biên giới: Pố Lồ, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn và Nậm Khòa, Túng Sán. Nhóm nhận đỡ đầu gần 40 cháu mồ côi ở 20/68 trường học trong toàn huyện với mức hỗ trợ 150.000đ/tháng/học sinh/năm đối với học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS ở bán trú tại trường và 300.000/tháng/học sinh/năm đối với học sinh Tiểu học, THCS không ở bán trú. Ngoài ra, nhóm còn hỗ trợ 250.000.000 đồng để xây nhà ở cho học sinh bán trú Trường PTDTBT TH Nậm Khòa; xây nhà ở cho học sinh bán trú Trường PTDTBT TH và THCS Thàng Tín. Cùng với đó, ngành Giáo dục huyện còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cá nhân, như: Cụ Phan Quang (số nhà 31, ngõ 6, Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội) tài trợ 500.000.000 đồng xây nhà ở cho học sinh bán trú Trường PTDTBT TH và THCS Sán Sả Hồ; cụ Vũ Thị Thanh Mỹ (số nhà 10, ngõ 186, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) tài trợ 400.000.000 đồng xây nhà ở cho học sinh bán trú Trường PTDTBT TH và THCS Thèn Chu Phìn; ông Phạm Vũ Khánh Toàn (số 06, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tài trợ 300.000.000 đồng xây nhà ở cho học sinh bán trú Trường PTDTBT TH và THCS Thàng Tín; Đoàn Phật tử từ thiện chùa Hưng Phúc (Hà Nội) do Đại đức Thích Thanh Phương, Chủ nhiệm Dự án Hỗ trợ học sinh dân tộc vùng cao đã tổ chức Chương trình trao hơn 700 suất quà trị giá gần 400 triệu đồng cho giáo viên và học sinh Liên trường xã Bản Luốc và trao tặng 10 suất học bổng sáng tạo, trị giá mỗi suất 2 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó…
Không chỉ có vậy, cũng trong thời gian qua, thực hiện Đề án 84 của UBND tỉnh về “Chuyển học sinh Tiểu học từ điểm trường về trường chính”, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Nhưng trong điều kiện cơ sở vật chất tại các trường học trên địa bàn còn thiếu và yếu, huyện đã huy động xã hội hóa, xây dựng các nhà sàn để làm nhà bán trú cho học sinh. Thực tế đây không phải là cách làm mới, bởi huyện Hoàng Su Phì đã thí điểm cách làm này ở Trường Mần non Bản Phùng và Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Bản Máy từ những năm trước. Ngoài hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn, các mạnh thường quân còn hỗ trợ kinh phí để các trường mua sắm trang thiết bị, như: Chăn, màn, dụng cụ nấu ăn và các công trình phụ trợ như: Nhà bếp, nhà tắm, bể nước, nhà vệ sinh… nhờ đó, các trường học có thêm cơ sở vật chất và học sinh bán trú có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Ở vùng cao, quỹ đất dành cho xây dựng cơ sở vật chất rất ít, với số vốn đầu tư ít, với không gian sử dụng tiện lợi cho nhiều mục đích khác nhau, thì những chiếc nhà sàn bằng bê - tông xuất hiện như một phương án tối ưu nhất. Với cách làm này, chỉ trong năm học 2018 – 2019, huyện Hoàng Su Phì đã huy động được hơn 2 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân và đóng góp của nhân dân xây dựng được 5 nhà sàn bán trú tại các xã Nậm Khòa, Sán Sản Hồ, Bản Phùng, Thàng Tín và xã Thèn Chu Phì…
Dù công tác XHHGD trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã, đang được triển khai tốt, nhưng mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu kiên cố hóa trường, lớp, nhà lưu trú cũng như đồ dùng dạy học, nhưng đây chính là nguồn động lực đáng kể làm thay đổi diện mạo của các trường học, điều kiện dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Bài, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc