Hành trình 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"
BHG - Trong những năm qua, thực hiện Chương trình phát động của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tỉnh ta đã tích cực vận động, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Xác định đây là Cuộc vận quan trọng, mang tính phát triển bền vững cho đối tượng hưởng lợi. Nên các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, nhất là phối hợp với ngành Lao động Thương binh và Xã hội trong việc khảo sát lập hồ sơ đối tượng, giới thiệu để các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp xem xét nhận trợ giúp, giới thiệu trợ giúp; phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp nhận của đối tượng.
Đồng chí Chủ tịch Tỉnh Hội trao quà hỗ trợ hộ nghèo phường Minh Khai – TP.Hà Giang. |
Để thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng, Tỉnh Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền hình như Báo nhân đạo, truyền hình Nhân đạo; Báo Hà Giang; Đài PT-TH tỉnh đưa tin bài tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, các hoạt động của Phong trào; phản ánh kịp thời kết quả của Cuộc vận động, biểu dương những mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động. Các cơ quan báo chí cử phóng viên tham gia các hoạt động của tỉnh, của nhà tài trợ, kịp thời đưa tin bài, hình ảnh phát sóng trên truyền hình, Báo Hà Giang và của Hội; xây dựng chuyên mục “Nhịp cầu Nhân ái” nhằm giới thiệu các địa chỉ khó khăn cần sự giúp đỡ của các nhân, tập thể, cộng đồng.
Đồng chí Chủ tịch Tỉnh Hội và các nhà tài trợ cắt băng khánh thành cầu Tà Lạn – huyện Quang Bình |
Trong hành trình 10 năm thực hiện Cuộc vận động, đã có 12.520 đối tượng được điều tra khảo sát, giới thiệu trợ giúp. Trong đó 2.643 đối tượng được trợ giúp theo thời điểm; 9.877 đối tượng được trợ giúp theo hướng phát triển bền vững cụ thể như hỗ trợ 544 nhà Chữ thập đỏ, tặng 50 sổ tiết kiệm, tặng 1.200 xe lăn; trên 1.500 hộ được nhận hỗ trợ con giống (trâu, bò, dê, lợn); 43 em học sinh nhận hỗ trợ học bổng... Tổng trị giá đạt trên 38,9 tỷ đồng.
Từ thực hiện Cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều mô hình trợ giúp hay, thiết thực và sáng tạo, mang đậm nét riêng của mỗi vùng, miền trong tỉnh, đặc biệt hơn là phù hợp với nhu cầu, nhân lực và đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội, thổ nhưỡng của mỗi địa phương. Các mô hình tiêu biểu xuất hiện qua Cuộc vận động như: mô hình “nuôi trâu rẽ”, “làm đường bê tông” cho địa chỉ đỡ đầu ở huyện Bắc Quang; mô hình “hũ gạo tình thương” ở huyện Quang Bình; mô hình “góp tấm lòng nhân ái” ở thành phố Hà Giang; mô hình “nuôi lợn thương phẩm”, “nước sạch và phát triển cộng đồng", “điện chiếu sáng dân sinh”, “nhà Chữ thập đỏ” ở huyện Vị Xuyên; mô hình “nuôi dê sinh sản” ở huyện Hoàng Su Phì; mô hình “nuôi bò sinh sản- ngân hàng Bò” ở huyện Mèo Vạc…
Cuộc vận động đã thực sự có ý nghĩa nhân đạo từ thiện và tính nhân văn sâu sắc. Các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất cho cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo cuộc vận động kịp thời, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, khơi dậy truyền thống đoàn kết tương thân tương ái. Các đối tượng được trợ giúp, đỡ đầu đã chủ động trong việc giải quyết vấn đề của chính mình từ nguồn hỗ trợ ban đầu của tổ chức, cá nhân. Nguồn lực hỗ trợ đã mang tới các hộ gia đình nghèo, các đối tượng khó khăn và địa phương có đối tượng được trợ giúp một diện mạo mới về tài sản và tư duy, cách nghĩ, cách làm của cơ sở. Các mô hình thực sự là cách làm hay, thiết thực cần được nhân rộng trên địa bàn, những đối tượng được hưởng lợi thực sự đã nhận được “cần câu hơn là cho con cá”.
Phạm Thị Tân (Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc