Dấu son Chữ thập đỏ nơi cực Bắc
BHG - Nhân đạo được ví như sức mạnh của sự trường tồn. Sức mạnh ấy đã và đang được thể hiện sâu sắc qua công tác Chữ thập đỏ (CTĐ) nơi cực Bắc thiêng liêng. Bằng sự tăng cường lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh, công tác CTĐ đã ghi dấu son đặc biệt trong bộ phận cấu thành công tác dân vận của Đảng.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Giang Nguyễn Thị Lương trao quà Tết cho người lao động trên địa bàn. |
Chỉ thị số 43, ngày 8.6.2010 của BCH T.Ư Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội CTĐ Việt Nam” (Chỉ thị 43) khẳng định: “Công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng; là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần giáo dục, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chính sách xã hội của Đảng”. Thấm nhuần quan điểm này, ngày 14.9.2010, BTV Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 112 về thực hiện Chỉ thị 43 của BCH T.Ư Đảng. Tiếp đến, ngày 26.10.2010, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 98 thực hiện Chương trình số 112 của BTV Tỉnh ủy. Qua đó, nhằm đẩy mạnh và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác Hội CTĐ trên địa bàn toàn tỉnh.
Minh chứng cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CTĐ được tăng cường đã kết tinh những dấu son đặc biệt trong công tác dân vận của Đảng. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có tổ chức Hội CTĐ và cán bộ làm công tác Hội. Số lượng hội viên không ngừng phát triển rộng khắp địa bàn dân cư, từ trường học, bệnh viện đến cơ quan… Toàn tỉnh đã có 492 tổ chức cơ sở Hội/126.236 hội viên (tăng 3.540 hội viên so với năm 2010). Số tình nguyện viên CTĐ tăng 600 người so với năm 2010 để đạt mốc 16.698 tình nguyện viên ở thời điểm hiện tại. Cùng với đó, các tổ chức Hội hoạt động đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức trong phong trào CTĐ, như: Công tác cứu trợ xã hội, thiên tai; phòng ngừa, ứng phó thảm họa; chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng hay tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện... Qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế và khả năng đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia công tác nhân đạo xã hội tại địa phương.
Điển hình trong công tác CTĐ, giai đoạn 2010 – 2018, phong trào “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam”, các cấp Hội CTĐ đã vận động tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thăm, tặng quà Tết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai từ 20 – 30 nghìn suất quà với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do T.Ư Hội CTĐ Việt Nam phát động, toàn tỉnh có trên 6.000 đối tượng được các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm nhận đỡ đầu và trợ giúp bằng nhiều hình thức, như: Hỗ trợ làm nhà ở, trao học bổng, trợ cấp hàng tháng, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ sinh kế. Riêng phong trào hỗ trợ làm nhà CTĐ, toàn tỉnh có 77 hộ được hỗ trợ làm mới hoặc sửa chữa nhà ở, với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng... Giờ đây, được sinh hoạt trong ngôi nhà cấp 4 khang trang, thay thế ngôi nhà gỗ, vách đất chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, bà Khương Thị Nga, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Bà chia sẻ: Với số tiền 60 triệu đồng do Hội CTĐ các cấp hỗ trợ năm 2018 đã tạo động lực, trao cơ hội để gia đình xây nhà mới mà nhiều thập kỷ qua, chúng tôi không thể làm được!...
Chia sẻ thêm về những kết quả trên, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cho biết: Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội CTĐ, BTV Tỉnh ủy đã phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Chủ tịch danh dự Hội CTĐ tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện và cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Đặc biệt, để làm công tác nhân đạo, điều quan trọng nhất chính là cái tâm trong sáng của người cán bộ. Do vậy, tỉnh đã quan tâm bố trí, điều chuyển cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, có năng lực vận động quần chúng làm công tác CTĐ. Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã xây dựng Đề án trình BTV Tỉnh ủy về sắp xếp, tổ chức lại các hội đặc thù trên địa bàn tỉnh, theo tinh thần Nghị quyết số 18 của BCH T.Ư Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, để phát huy vị trí, vai trò Hội CTĐ, về quan điểm của tỉnh là giữ nguyên Hội CTĐ tỉnh như hiện nay. Bởi Hội có chức năng, nhiệm vụ là một tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng; tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, nam nữ để làm công tác nhân đạo. Đồng thời, vận động các cá nhân, tổ chức cùng tham gia phong trào tương thân, tương ái, hoạt động nhân đạo, nâng cao tình nhân ái, phục vụ đời sống, sức khỏe nhân dân; trong đó, ưu tiên những người khó khăn nhất…
Thực tế cho thấy, Hà Giang là địa phương sau cùng của cả nước thoát khỏi chiến tranh; đến nay, vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn của cả nước, rất cần sự đồng hành của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đối với công cuộc giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, đi liền với hành động nhân văn, nhân đạo này đặc biệt cần sự nỗ lực vươn lên của mỗi gia đình thụ hưởng…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc