Chăm lo người cao tuổi nơi địa đầu Tổ quốc
BHG - Pháp lệnh Người cao tuổi (NCT) năm 2000 nhận định: “NCT có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội”. Nhằm thực hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm đến công tác NCT; xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội.
Người cao tuổi thành phố Hà Giang luyện tập thể dục. |
Toàn tỉnh hiện có 66.933 NCT, chiếm 7,91% dân số toàn tỉnh. Trong đó, nhiều NCT là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống ở vùng nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn. Trên 80% NCT phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng của con cháu… Để phát huy vai trò quan trọng của NCT trong gia đình, xã hội; công tác NCT luôn được tỉnh ta quan tâm một cách toàn diện. Đến nay, 195/195 xã, phường, thị trấn đều thành lập Hội NCT; 2.071 thôn, tổ dân phố có Chi hội NCT, thu hút 65.250 hội viên tham gia sinh hoạt. Về công tác chăm sóc sức khỏe NCT, toàn tỉnh có 66.263 NCT được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT), chiếm 99% số NCT. Trong đó, 100% NCT thuộc hộ nghèo, đồng bào DTTS sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, NCT thuộc diện trợ giúp xã hội, người từ 80 tuổi trở lên được cấp thẻ BHYT miễn phí. Cùng với đó, toàn tỉnh có 284 giường điều trị bệnh dành riêng cho NCT; 7/16 bệnh viện thành lập Khoa Lão khoa để chăm sóc sức khỏe NCT chuyên sâu. 15/16 bệnh viện có phòng khám và cấp thuốc cho NCT có bệnh mãn tính. Cùng với đó, công tác lập hồ sơ quản lý các bệnh mãn tính cho NCT được thực hiện hiệu quả. Đến nay, 59.870 NCT được lập sổ theo dõi, quản lý và khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong năm. Riêng năm 2018, NCT khám sức khỏe định kỳ lên đến 97.634 lượt người. 594 NCT cô đơn, bệnh nặng không thể đến khám bệnh tại cơ sở y tế được tổ chức khám sức khỏe tại nhà. Cùng với đó, toàn tỉnh thực hiện chi trả BHYT cho 113.954 lượt bệnh nhân NCT với kinh phí gần 106 tỷ đồng. Đồng thời, các chính sách trợ cấp thường xuyên của Đảng, Nhà nước đối với NCT được triển khai đúng quy định; góp phần trợ giúp hàng nghìn NCT ổn định đời sống. Trong đó, 11.565 NCT được hưởng lương hưu, mất sức lao động và trợ cấp BHXH; 2.600 người hưởng trợ cấp người có công; 7.526 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội tại cộng đồng; 11 NCT đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội công lập của tỉnh. Đặc biệt, từ ngày 1.11.2018, tỉnh ta thực hiện mức trợ cấp nuôi dưỡng NCT tại cơ sở trợ giúp xã hội lên đến 60 nghìn đồng/người/ngày, cao hơn 40,6% so với mức Chính phủ quy định.
Không dừng ở kết quả trên, các chương trình xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng, Câu lạc bộ (CLB) NCT được quan tâm đầu tư phát triển. Hiện, toàn tỉnh có 137 CLB, gồm 76 CLB thể dục, thể thao, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, cây cảnh, thơ và 61 CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Các CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, giúp nhau làm kinh tế. Qua đó, thu hút 4.516 NCT tích cực tham gia và trở thành phong trào hoạt động thường xuyên, liên tục. “Đi vào hoạt động hiệu quả, các CLB đã trở thành sân chơi lý thú, góp phần để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích và thực hiện tốt các phong trào thi đua chung của tỉnh” – cụ Phạm Thị Nghĩa, tổ 14 (phường Nguyễn Trãi) chia sẻ. Đặc biệt, năm 2018, trong đoàn vận động viên NCT tham dự Giải thể dục dưỡng sinh NCT toàn quốc, tỉnh ta vinh dự giành 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích…
Cùng với kết quả trên, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ các chính sách nhằm phát huy vai trò NCT. Đến nay, toàn tỉnh có 2.223 NCT tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể; 4.501 NCT tham gia các tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân tại cộng đồng dân cư. Đặc biệt, tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những hoạt động thể hiện rõ vai trò của NCT, nhất là khu vực nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 23.552 NCT tham gia phát triển kinh tế, chiếm 35% tổng số NCT. Nổi bật trong đó, có 309 NCT là chủ trang trại, doanh nghiệp; 649 NCT sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhiều NCT ở cơ sở đã góp sức cùng gia đình lao động, sản xuất, không ngừng sáng tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp mang lại hiệu quả kinh tế cao; tham gia khôi phục nghề và dạy nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, mây tre đan, làm khèn Mông để phát triển làng nghề phục vụ du lịch ở địa phương…
Thực tế cho thấy, thực hiện công tác NCT cùng với việc thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy vai trò, vị trí quan trọng của NCT trong gia đình và xã hội. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị chung nơi địa đầu Tổ quốc.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc