Kết quả trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh
BHG - Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là vấn đề ưu tiên trong chiến lược chăm sóc sức khỏe nói chung của tỉnh. Những năm qua, công tác chăm sóc SKSS đạt nhiều kết quả quan trọng; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS hiệu quả; góp phần giảm tỷ lệ tai biến sản khoa và trẻ sơ sinh tử vong.
Phụ nữ mang thai khám định kỳ và tiêm phòng tại Trạm Y tế phường Minh Khai (thành phố Hà Giang). |
Là tỉnh miền núi với địa hình hiểm trở, dân cư sống thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều hủ tục liên quan đến vấn đề sinh đẻ còn tồn tại trong cộng đồng dân tộc thiểu số, khiến công tác chăm sóc SKSS gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS, ngành Y tế đã triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS”. Theo đó, nhiều mô hình truyền thông giáo dục SKSS được triển khai thực hiện bằng các hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sân khấu hóa, tại các chợ phiên và các buổi họp thôn, chi hội phụ nữ… thu hút hàng nghìn lượt người tham gia; đặc biệt Mô hình “Cô đỡ thôn bản” được triển khai tại các thôn, bản khó khăn, nhằm tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng công tác chăm sóc và tư vấn về SKSS cho các bà mẹ trong suốt thời kỳ mang thai, sinh nở đã phát huy hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) thường xuyên chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS các tuyến cơ sở; cung cấp kiến thức về cấp cứu sản khoa, cấp cứu trẻ sơ sinh; chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em; kỹ năng truyền thông lồng ghép tại cộng đồng; kỹ năng giám sát… Cán bộ y tế cơ sở thường xuyên đến các hộ dân, cấp phát thuốc, tiêm phòng các loại bệnh thường gặp trong độ tuổi sinh đẻ; tư vấn, giải đáp các thắc mắc của sản phụ; tăng cường công tác quản lý thai nghén, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho bà mẹ mang thai ở các thôn cách xa trung tâm. Ngoài ra, hoạt động chăm sóc SKSS còn được triển khai rộng rãi trong các nhóm cộng đồng khác nhau, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, thanh niên ở các trường học với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.
Năm 2018, tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai trên địa bàn tỉnh đạt trên 93%; số phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần trở lên trong 3 thời kỳ thai nghén đạt trên 80% (tăng trên 10% so với năm 2017); tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc đạt trên 91,2%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt trên 80%; có trên 32.150 người thực hiện các biện pháp tránh thai mới an toàn; trên 49.540 lượt người được khám phụ khoa. Tỷ suất trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi bị chết và số phá thai đều giảm so với năm trước. Các hoạt động phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục được các đơn vị triển khai đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp và mở rộng các dịch vụ chăm sóc SKSS; tổ chức khám phụ khoa tại cộng đồng; thực hiện các thủ thuật KHHGĐ như siêu âm sản - phụ khoa, đo loãng xương; kỹ thuật phá thai an toàn; xét nghiệm tế bào âm đạo, cổ tử cung, kỹ thuật hỗ trợ bơm tinh trùng vào buồng tử cung... qua đó từng bước nâng cao chất lượng SKSS cho phụ nữ.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc SKSS vẫn còn nhiều khó khăn: Trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng truyền thông cộng đồng của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn yếu; mạng lưới cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS còn thiếu; ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do tồn tại hủ tục nên vẫn còn tình trạng phụ nữ mang thai sinh con tại nhà dẫn đến các nguy cơ về tai biến sản khoa; việc thụ hưởng các dịch vụ y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được kịp thời, đầy đủ; nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số sinh con thứ 3 trở lên, ảnh hưởng đến SKSS...
Trao đổi với phóng viên, Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ SKSS, đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ SKSS thiết yếu. Xây dựng và áp dụng các mô hình, phương thức cung cấp dịch vụ riêng biệt nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về dịch vụ SKSS cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện qui trình kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các qui định chuyên môn, qui trình kỹ thuật các dịch vụ SKSS tại tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành cho nhân viên cung cấp dịch vụ SKSS; đào tạo kỹ năng tư vấn và giáo dục sức khỏe cho cộng đồng”.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng và dịch vụ chăm sóc SKSS, các cấp, ngành cần vào cuộc quyết liệt, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS và bình đẳng giới; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về nâng cao sức khỏe bà mẹ, cải thiện SKSS vị thành niên; giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em; cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; đáp ứng đầy đủ nhu cầu KHHGĐ; kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản...
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc