"Cẩm nang" chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em
BHG - Những thông tin hữu ích trong cuốn Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (BM&TE) nhằm giúp các bà mẹ theo dõi, chăm sóc sức khỏe (CSSK) trong suốt quá trình từ khi mang thai, đến khi con được 6 tuổi; đồng thời là công cụ đắc lực giúp cán bộ y tế nắm bắt lịch sử bệnh tật của mẹ và bé để có giải pháp CSSK và kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Đây được xem là “cẩm nang” tư vấn cộng đồng về CSSK BM&TE đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Chị Hoàng Thị Sim, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) thường xuyên sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe BM&TE. |
Sổ theo dõi sức khỏe BM&TE được triển khai thí điểm từ năm 2010 và triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh từ cuối năm 2016. Các cán bộ y, bác sỹ, hộ sinh trực tiếp làm công tác CSSK BM&TE đều được tập huấn hướng dẫn sử dụng sổ để ghi chép, theo dõi; từ đó, quản lý chặt chẽ số lượng thai phụ và những thai phụ có nguy cơ cao để chuyển tuyến kịp thời, giúp bác sĩ ở các tuyến trên nắm bắt được quá trình mang thai của các bà mẹ để xử lý và can thiệp hiệu quả; hạn chế các tai biến sản khoa. Khi mang thai, các bà mẹ sẽ được cơ sở y tế cung cấp cuốn Sổ theo dõi sức khỏe BM&TE; các mẹ sẽ mang theo sổ khi đi khám, sinh đẻ, đưa con đi tiêm chủng, khám sức khỏe,… để cán bộ y tế nắm bắt chính xác chỉ số về sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ dưới 6 tuổi một cách đầy đủ, chính xác.
Sổ theo dõi sức khỏe BM&TE gồm có 5 phần: Phần I, những thông tin cơ bản về gia đình, tiền sử sinh đẻ, tiêm phòng, quá trình thai nghén, tiền sử bệnh tật của người mẹ. Phần II, những thông tin cần thiết trong chăm sóc thai nghén do cán bộ y tế theo dõi và ghi chép, bao gồm các nội dung về những lần khám thai của mẹ cùng kết luận, tư vấn, hướng dẫn của cán bộ y tế. Phần III, những kiến thức về chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ sau đẻ, trẻ sơ sinh và cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Phần IV, cách chăm sóc và xử lý một số bệnh thường gặp ở trẻ em khi trẻ 7 tuần đến 6 tuổi, bao gồm các thông tin quan trọng về sự phát triển của trẻ, lịch tiêm chủng, biểu đồ chiều cao, cân nặng cho trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi. Phần V, cung cấp thông tin bổ ích cho bà mẹ và gia đình trong việc chăm sóc thai nghén và chăm sóc trẻ.
Năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) đã phát hành 17.500 cuốn Sổ theo dõi sức khỏe BM&TE. Việc triển khai Sổ theo dõi sức khỏe BM&TE đến cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức của các bà mẹ và gia đình trong CSSK; nhất là việc khám thai định kỳ, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nhờ vậy, công tác CSSK cho phụ nữ và trẻ em đạt nhiều kết quả quan trọng: Tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai đạt trên 91%; tăng 0,61% so với năm 2017; phụ nữ đẻ được khám thai 3 lần trở lên trong 3 thời kỳ thai nghén đạt trên 71%, tăng 10,8%; phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc đạt trên 87,9 %; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt trên 79,9%; đặc biệt, tỷ lệ tai biến sản khoa, trẻ chết sơ sinh; chết dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng ở trẻ em đều giảm đáng kể so với năm 2017. Các gia đình và người mẹ biết cách chăm sóc trẻ khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và biết xử lý một số bệnh thông thường.
Bác sỹ Hoàng Văn Khoe, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Sổ theo dõi sức khỏe BM&TE là tài liệu khoa học, tiện dụng, hữu ích trong việc theo dõi liên tục tình hình sức khỏe của BM&TE; cũng như chăm sóc liên tục từ các cơ sở y tế xã, phương, thị trấn đến các tuyến trên. Đồng thời, cuốn sổ là căn cứ khoa học giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác CSSK BM&TE ở cơ sở; giúp phát hiện được những dấu hiệu bất thường của thai nhi và theo dõi liên tục quá trình phát triển của bé; từ đó cán bộ y tế có thể đưa ra những tư vấn kịp thời và hướng điều trị phù hợp cho mỗi trẻ. Cuốn sổ còn đặc biệt phát huy tác dụng đối với các gia đình ở vùng dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện tiếp cận kiến thức và các dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế”.
Việc đưa Sổ theo dõi sức khỏe BM&TE vào sử dụng rộng rãi mang lại nhiều ý nghĩa và hiệu quả không chỉ trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe BM&TE mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc