Vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố
BHG - Xã hội hiện đại khiến cuộc sống của mỗi gia đình luôn tất bật, thời gian dành cho công việc, học tập, giao tiếp nhiều hơn khiến việc tự nấu và chế biến các bữa ăn có phần bị thu hẹp. Giờ đây, thức ăn đường phố (TAĐP) đã quen thuộc đối với nhiều người, nhất là người dân ở thành thị.
Một điểm kinh doanh thức ăn đường phố luôn thu hút nhiều người dân. |
TAĐP là những đồ ăn, thức uống làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng. Thế nhưng, đằng sau sự tiện lợi do TAĐP mang lại, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không thể xem nhẹ.
TAĐP hầu hết là các món phục vụ tại chỗ, ăn nhanh, giá cả phải chăng, được bày bán ngay trên vỉa hè, lề đường, khu dân cư đông người hoặc những nơi công cộng... rất thuận tiện cho người sử dụng. Việc phát triển các loại hình TAĐP đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động.
Theo thống kê của Chi cục VSATTP tỉnh: Trên địa bàn toàn tỉnh có 937 cơ sở kinh doanh loại hình thực phẩm TAĐP. Riêng địa bàn thành phố có 227 cơ sở, tập trung chủ yếu ở vỉa hè quanh địa bàn 5 phường nội thành và cổng các trường học, chợ lớn, chợ xép. Với sự gia tăng của các cơ sở kinh doanh thực phẩm TAĐP, khiến việc kiểm soát các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Theo Ban Chỉ đạo VSATTP thành phố, để làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn đối với loại hình này, Ban Chỉ đạo xã, phường thường xuyên rà soát, cập nhật các cơ sở kinh doanh TAĐP, lập sổ theo dõi, có biện pháp tư vấn chấp hành tốt quy định VSATTP; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở kinh doanh TAĐP. Duy trì công tác giám sát, kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm bằng test thử nhanh; xét nghiệm dụng cụ bao gói, bát đĩa bằng dung dịch hóa chất; xét nghiệm hóa sinh trên test nhanh thực phẩm, phát hiện hàm lượng hàn the, foóc mol, phẩm màu; tư vấn, hướng dẫn và vận động các cơ sở kinh doanh TAĐP chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn.
Một trong những khó khăn đó là nhân lực thực hiện công tác đảm bảo ATVSTP và quản lý TAĐP còn mỏng; các cơ sở kinh doanh TAĐP không cố định nên gây rất nhiều khó khăn trong quản lý, giám sát; kinh phí tổ chức các hoạt động đảm bảo ATVSTP đối với TAĐP còn hạn chế… Theo đồng chí Nguyễn Như Chưởng, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh: Để TAĐP thực sự đảm bảo, một trong những yếu tố quan trọng nhất là công tác ATVSTP phải được thực hiện thường xuyên với sự tham gia đồng bộ của các ngành chức năng, sự ủng hộ nhiệt tình người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ và tổ chức các hoạt động kiểm soát điều kiện ATTP với việc kinh doanh TAĐP, có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Ngoài ra, cần tổ chức tập huấn kiến thức vệ sinh thực phẩm đến nhân dân, để người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng nâng cao ý thức trách nhiệm; phối hợp với các địa phương, ban, ngành chức năng, kiểm tra, kiểm soát tình hình đảm bảo VSATTP trong kinh doanh TAĐP…
Thiết nghĩ, ngoài các giải pháp của ngành chức năng thì ý thức tự giác và trách nhiệm với cộng đồng của mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến TAĐP rất cần được chú trọng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần có những hiểu biết trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm, kiên quyết tẩy chay những quán ăn đường phố không đảm bảo điều kiện VSATTP.
Bài, ảnh: CTV
Ý kiến bạn đọc