Khó khăn trong quản lý giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố Hà Giang
BHG - Hiện, thành phố Hà Giang có trên 100 cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt lợn); trong đó, trên 70 hộ kinh doanh thực phẩm thịt gia súc, gia cầm tươi sống tại các chợ: Chợ trung tâm, chợ Minh Khai, Nguyễn Trãi, Ngọc Hà, Quang Trung,… và khoảng 20 cá nhân kinh doanh không thường xuyên tại các nhà dân, ngõ phố và bán rong.
Thời gian qua, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp tăng cường quản lý hoạt động giết mổ gia súc (GMGS); đẩy mạnh tuyên truyền việc chấp hành các quy định về GMGS và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đến các hộ sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao ý thức, thói quen sử dụng sản phẩm động vật đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát các cơ sở GMGS được 46 lượt; phát hiện và xử lý vi phạm 35 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 36 triệu đồng và buộc tiêu hủy 117 kg thịt lợn.
Mặc dù công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát được thực hiện thường xuyên; nhưng tình trạng GMGS không đúng quy định vẫn diễn ra ở một số địa phương; gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo ATVSTP. Điều đáng nói, bên cạnh một số cơ sở luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, ATVSTP, khám sức khỏe định kỳ... thì có khoảng 60% cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về điều kiện kiểm dịch; không đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung; không có giấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm soát thú y... Đặc biệt tại chợ phiên các xã: Phương Độ, Phương Thiện, mỗi phiên chợ có trên 50 con lợn được tiêu thụ, nhưng việc kiểm soát giết mổ không được thực hiện thường xuyên. Trong khi người tiêu dùng vẫn có thói quen và chấp nhận sử dụng sản phẩm thịt động vật, không rõ nguồn gốc.
Thực tế, tại các cơ sở GMGS tập trung trên địa bàn thành phố mặc dù được đầu tư xây dựng đảm bảo đủ tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu giết mổ cả trăm con gia súc mỗi ngày; nhưng, số lượng lợn được đưa vào đây giết mổ lại rất ít. Bên cạnh nguyên nhân do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, sản lượng lợn cung cấp không ổn định…; thì nguyên nhân chính là ý thức chấp hành các quy định về GMGS của các hộ sản xuất, kinh doanh. Các hộ thường GMGS trong đêm, sau đó phân nhỏ đưa ra chợ bán hoặc cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát GMGS còn thiếu và yếu về nghiệp vụ; việc xử lý vi phạm không đồng bộ, thiếu kiên quyết nên chưa đủ sức răn đe,... khiến việc quản lý GMGS trong nhiều năm qua vẫn gặp không ít khó khăn.
Khắc phục tình trạng các hộ kinh doanh GMGS không chấp hành quy định về kiểm soát giết mổ và ATVSTP; UBND thành phố xác định: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Cùng đó, tiếp tục thu hút đầu tư, có cơ chế chính sách khuyến khích các cơ sở GMGS tập trung hoạt động hiệu quả; đồng thời quy hoạch các khu vực bán thực phẩm tươi sống tại các chợ và dần hình thành các cửa hàng kinh doanh sản phẩm động vật sạch. Thường xuyên kiểm tra các bếp ăn tập thể, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh GMGS. Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, nhu cầu về thực phẩm thịt tươi sống sẽ tăng cao; đòi hỏi các lực lượng chức năng phải thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường, tăng cường quản lý địa bàn, thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm.
Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, thiết nghĩ, chỉ khi nào người tiêu dùng thực sự có trách nhiệm với sức khỏe bản thân, nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATVSTP… khi đó, các hoạt động GMGS vi phạm mới thực sự không có cơ hội để tồn tại.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc