Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh lao
BHG - Bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp, người lành tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm lao và trở thành lao bệnh, phụ thuộc vào số lượng vi trùng xâm nhập và sức đề kháng của cơ thể mỗi người. Từ đặc điểm này, bệnh lao vừa lây truyền, vừa truyền nhiễm. Tại Hà Giang, trung bình mỗi năm phát hiện 375 bệnh nhân, chỉ số phát hiện nguồn lây nhiễm hàng năm 25 – 30%. Trong đó, người nghèo là đối tượng dễ bị mắc lao, bởi vậy cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống bệnh lao.
Thăm khám bệnh nhân tại khoa Nội - Lây, Bệnh viện huyện Bắc Mê. |
Nhằm thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong những năm qua, Hà Giang đã đưa ra nhiều biện pháp, cũng như đầu tư về cơ sở hạ tầng, giúp ngăn chặn và đẩy lùi bệnh lao. Là đơn vị thường trực tổ chức và chỉ đạo mạng lưới phòng, chống lao toàn tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã được trang bị các thiết bị y tế, các máy móc hiện đại phục vụ việc chẩn đoán, điều trị lao các thể. Các kỹ thuật tiên tiến như: Kỹ thuật HOMO, nuôi cấy, nội soi phế quản, chụp CT Scaner. Có đủ thuốc men, vật tư y tế được cấp từ nguồn Chương trình chống lao Quốc gia và Bảo hiểm Y tế. Có thể đáp ứng từ 40 – 50% tổng số bệnh nhân lao các thể trong toàn tỉnh. Cùng với đó, tại tuyến huyện, có tổ chống lao huyện, Trung tâm Y tế huyện, có cán bộ trực tiếp quản lý hoạt động chống lao tuyến xã.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, nhiều bệnh nhân mắc lao đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn tiềm ẩn nhiều trong cộng đồng, đặc biệt Hà Giang là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, bởi người nghèo dễ mắc lao nhất, người mắc chủ yếu độ tuổi lao động. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê, Bác sỹ Nguyễn Ngọc Chung cho biết: “Là bệnh viện tuyến huyện, nhờ trang bị tốt các trang thiết bị, nên qua công tác khám và điều trị đã phát hiện nhiều trường hợp bị tràn dịch màng phổi, do nghi mắc lao. Qua đó, trong năm bệnh viện đã chuyển tuyến hơn 10 ca nghi mắc lao. Tuy nhiên, do trình độ dân trí trên địa bàn huyện còn chưa đồng đều nên nguồn lây nhiễm trong cộng đồng còn cao. Người dân còn chủ quan, ngần ngại hoặc bỏ về khi đến khám và điều trị bệnh lao. Nếu không có biện pháp siết chặt hơn, khả năng lây nhiễm sẽ rất cao…”.
Với những nguyên nhân trên, trong 9 tháng đầu, qua chương trình khám sàng lọc trên địa bàn tỉnh phát hiện có 447 trường hợp bệnh nhân lao các thể, tại 6 huyện và 18 xã, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Trước tình trạng trên, nhằm đẩy lùi bệnh lao, Bác sỹ Chúc Hồng Phương, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “Bệnh lao là bệnh xã hội, nhiều người mắc, chi phí điều trị lớn cùng với đó vi rút lao làm suy nhược cơ thể, mất sức lao động của người bệnh. Bởi vậy cần sự vào cuộc mạnh của cộng đồng. Đối với các trường hợp ghi mắc bệnh lao, cần phải đưa đến bệnh viện chuyên môn, với các kỹ thuật hiện đại và năng lực chuyên sâu sẽ giúp chẩn đoán chính xác nhất và có phác đồ điều trị phù hợp. Những người mắc lao, nếu chữa trị kịp thời và đúng phác đồ sau 5 – 6 tháng sẽ hồi phục hoàn toàn...”.
Tuy nhiên, việc đẩy lùi bệnh lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Kinh phí hoạt động còn hạn hẹp; thời gian điều trị bệnh lao thường kéo dài nên nhiều bệnh nhân bỏ dở phác đồ điều trị khiến tình trạng kháng lao ngày càng tăng và chuyển điều trị từ tỉnh về huyện, từ huyện này về huyện khác vẫn xảy ra; người dân chưa có kiến thức trong việc phòng và điều trị bệnh lao... khiến bệnh lao vẫn âm ỷ lây truyền trong cộng đồng. Để đẩy lùi bệnh lao cần sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng, cùng với đó tăng cường hơn nữa các hoạt động khám sàng lọc, nhằm ngăn chặn và tiêu diệt bệnh lao.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc