Bài học quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn
BHG - Huyện Quang Bình có 70 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn (CNSHNT) tập trung do huyện làm chủ đầu tư, 6 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư và hầu hết được khởi công xây dựng từ giai đoạn 2004 - 2016. Thời gian qua, nhiều công trình đã góp phần giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân địa phương; nhưng do cách quản lý còn bất cập dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả hoặc bị bỏ hoang.
Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Yên Thành bị bỏ hoang. |
Khi việc quản lý còn nhiều bất cập
Tại xã Yên Thành có tổng số 21 công trình CNSHNT nhưng hiện tại 16 công trình gần như “nằm bất động”. Đáng nói hơn, một số bể chứa nước vốn đầu tư đến cả tỷ đồng cùng chung cảnh ngộ. Sau khi chủ đầu tư hoàn thiện, UBND xã nhận nghiệm thu và bàn giao lại cho các thôn quản lý, khai thác sử dụng nhưng chỉ thời gian ngắn các công trình không phát huy hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân được cho là thiếu nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên, địa hình dốc hay sạt lở làm cho đường ống dẫn nước nhanh hỏng nên tình trạng cấp nước không cải thiện.
Sau khi thành lập Tổ dịch vụ quản lý cấp nước sinh hoạt nông thôn bà con thôn Buông, xã Tiên Yên đã sử dụng tiết kiệm nguồn nước. |
Bà Sùng Thị Mai, xóm 3, thôn Yên Lập cho biết: “Thôn có 3 bể nước phục vụ nhân dân, công suất trung bình đạt từ 15 m3 nước/ngày đêm; chúng tôi đều lấy nước về tắm giặt, ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, 2 công trình đã hỏng cách đây 4 - 5 năm. Ngày trước, mỗi tháng các gia đình đều nộp 3 kg thóc cho thôn để trả công cho người sửa chữa đường ống dẫn nước. Phần lớn nước được dẫn từ đầu nguồn về rất xa, trên đồi núi, cứ mưa lớn là tụt ống dẫn nước, có thời điểm 1 - 2 ngày lại phải đi sửa, đến khi quá xuống cấp, dân không có tiền sửa chữa thì bị bỏ hoang. Bây giờ, cứ 2 - 3 hộ cùng nhau đóng góp tiền mua dây kéo nước từ đầu nguồn về dùng”.
Còn ông Hoàng Văn Lượng, xóm 1, thôn Yên Thượng bày tỏ: “Công trình CNSHNT tại thôn do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư, chứa 43 m3 nước/ngày đêm và đưa vào sử dụng từ năm 2009, đáp ứng đủ nhu cầu của 20 hộ dân. Vì nguồn nước cách xa, không có ai đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể nên bể nước tự chảy mới hỏng khoảng 2 năm. Gia đình tôi tự bỏ ra 2 triệu đồng mua dây về kéo nước sinh hoạt”.
Tương tự, 6 công trình CNSHNT tập trung tại xã Bằng Lang do huyện Quang Bình làm chủ đầu tư, tổng nguồn vốn gần 1,7 tỷ đồng cũng rơi vào tình cảnh bị “đắp chiếu”. Duy nhất, công trình CNSH Hồ Khuổi Kéng, có công suất 110 m3 nước/ngày đêm với số vốn trên 3,1 tỷ đồng và đưa vào sử dụng năm 2010 còn hoạt động ở mức trung bình. Qua tìm hiểu, thôn Thượng Bằng có 135 hộ dân, vào mùa khô các gia đình đều thiếu nước trầm trọng, bà con lấy tạm nước ở con suối Nậm Van gần đó để sử dụng. Trong khi người dân vẫn đang chịu cảnh khan hiếm nước sinh hoạt thì bể CNSH có cũng như không. Rõ ràng, vấn đề này đặt ra sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của cộng đồng thôn, bản và địa phương trong khâu quản lý.
Bài học quản lý sau đầu tư
Trước những vấn đề cần tháo gỡ, UBND huyện Quang Bình giao cho đơn vị chức năng là Phòng NN&PTNT kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sử dụng các công trình CNSHNT trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện thí điểm thành lập 5 Tổ dịch vụ quản lý công trình CNSH sau đầu tư tại 4 xã gồm: Tiên Yên, Xuân Giang, Tân Trịnh, Hương Sơn. Mục đích gắn ý thức của người dân trong quá trình sử dụng các công trình công cộng để tạo ra nguồn thu phí, dùng 70% chi trả công duy tu, sửa chữa cho Tổ dịch vụ, 30% trích lại mua trang, thiết bị bảo dưỡng thường xuyên.
Anh Đặng Văn Dân, Tổ trưởng Tổ dịch vụ quản lý CNSHNT thôn Buông, xã Tiên Yên cho biết: “Mấy năm trước bể nước trong thôn hoạt động tốt nhưng người dân dùng nước tự do nên rất lãng phí. Năm 2017, huyện hỗ trợ tiền sửa chữa ống nước, lắp đặt đồng hồ cho các gia đình; sau khi thành lập xong Tổ dịch vụ, chúng tôi thu phí mỗi hộ 30 nghìn đồng/tháng/80m3 nước; 3 thành viên được hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng tiền công quản lý, sữa chữa, số còn lại giữ làm quỹ. Cách làm trên đã nâng cao nhận thức của người dân đối với việc giữ gìn tài sản, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bản thân, gia đình trong đời sống hàng ngày”.
Tính đến nay, các Tổ dịch vụ quản lý CNSHNT tại huyện Quang Bình đi vào hoạt động tương đối tốt. Điều đó cho thấy, việc chuyển đổi mô hình quản lý, sự phân cấp trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là ý thức người dân để bảo vệ các công trình cấp nước là yếu tố cần thiết nhằm đảm bảo khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc