Vinh dự, tự hào người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

11:27, 24/10/2018

BHG -  “Được cộng đồng suy tôn đã khó, giữ uy tín còn khó hơn. Người có uy tín (NCUT) phải luôn thể hiện được tâm và tầm ngay từ cuộc sống hằng ngày” – Trải lòng của ông Lù A Nảo (phường Quang Trung, thành phố Hà Giang) cũng chính là tâm niệm của những NCUT tỉnh nhà.

Ông Lù A Nảo, Người có uy tín ở phường Quang Trung (TP. Hà Giang) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.            Ảnh: THU PHƯƠNG
Ông Lù A Nảo, Người có uy tín ở phường Quang Trung (TP. Hà Giang) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: THU PHƯƠNG

Bằng kinh nghiệm, uy tín và trí tuệ của mình, NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số nơi địa đầu cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc trở thành hạt nhân quan trọng gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào các dân tộc. Họ không chỉ là tấm gương gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc mà còn nỗ lực cùng các cấp, ngành kiến tạo một xã hội tốt đẹp.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.972 NCUT, thuộc 18 dân tộc. Họ là những già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân dân gian, cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi... được cộng đồng bầu chọn, suy tôn. Bằng kinh nghiệm, uy tín, trí tuệ của mình, đội ngũ NCUT đã và đang phát huy vai trò quan trọng đối với gia đình, cộng đồng và xã hội: Tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Vận động nhân dân tham gia phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới (NTM); giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, công tác đối ngoại nhân dân...

Thực tế chứng minh, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng NTM, đô thị văn minh”, NCUT tích cực vận động đồng bào chấp hành quy ước, hương ước thôn, bản; ăn, ở hợp vệ sinh; xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, tang và đẩy lùi tệ nạn xã hội. Đặc biệt, NCUT luôn phát huy vai trò trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội Cầu mưa của đồng bào Lô Lô; Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày; Lễ hội Múa trống của người Giấy... Đồng thời, gìn giữ các hoạt động tín ngưỡng dân gian như: Lễ Cúng cơm, Cấp sắc của dân tộc Dao hay các nghề truyền thống: Dệt lanh (thổ cẩm), nghề may mặc, nghề rèn… của đồng bào các dân tộc.

Với tinh thần cần cù, sáng tạo, NCUT còn trở thành gương sáng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo: Tích cực động viên con cháu, cộng đồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm… Ngày càng xuất hiện nhiều gương sáng như ông Làn Đình Dưỡng, dân tộc Pà Thẻn, xã Hữu Sản (Bắc Quang) tích cực phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại với quy mô trên 300 con gia súc, gia cầm... mang lại nguồn thu từ 100 – 160 triệu đồng/năm; ông Lệnh Quốc Hưng, xã Đồng Yên (Bắc Quang) có thu nhập lên đến 500 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ tổng hợp; hay ông Phàn Quầy Và, xã Quảng Nguyên; Hoàng Văn Pẳn, xã Nà Trì (Xín Mần) tập trung phát triển chăn nuôi, kết hợp trồng chè gắn thu mua, chế biến sản phẩm, tạo thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/năm...

Không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, đội ngũ NCUT còn chủ động tham gia hòa giải, kịp thời giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn tại cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng” và tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục hàng trăm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, giữ gìn an ninh -  trật tự ở khu dân cư đi vào cuộc sống có vai trò quan trọng của NCUT, trong việc vận động đồng bào tham gia, hưởng ứng. Không những vậy, NCUT tại các xã biên giới luôn tích cực vận động nhân dân, tham gia tuần tra biên giới cùng Bộ đội Biên phòng; phối hợp vận động, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ, đồng bào khu vực biên giới ký cam kết “Gia đình không có người vi phạm pháp luật”; tố giác tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Minh chứng cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2018, NCUT cung cấp cho các đơn vị Biên phòng 217 tin có giá trị liên quan đến an ninh - trật tự khu vực biên giới; vận động 356 gia đình đăng ký tham gia Tổ Tự quản đường biên, cột mốc. Đến nay, 100% hộ sinh sống tại các thôn, bản khu vực biên giới tích cực tham gia tự quản về an ninh - trật tự.

Ghi nhận những đóng góp quan trọng của NCUT đối với sự nghiệp phát triển bền vững của mảnh đất Hà Giang biên cương, từ năm 2016 đến nay, nhiều NCUT vinh dự được nhận phần thưởng cao quý của các cấp, ngành. Trong đó, 21 cá nhân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Nhiều NCUT được UBND các huyện, thành phố khen thưởng. Đặc biệt hơn, đi liền với niềm vinh dự, tự hào là NCUT, đúng như trải lòng của ông Lù A Nảo, NCUT của phường Quang Trung (TP. Hà Giang): Được cộng đồng suy tôn là NCUT đã khó, giữ được uy tín còn khó gấp nhiều lần. Do vậy, NCUT phải thể hiện được tâm, tầm cùng sự uy tín của mình ngay từ cuộc sống thường nhật.

HOÀNG ĐỨC TIẾN (Trưởng ban Dân tộc tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần sớm có giải pháp khắc phục tình trạng bồi lấp sông Ma

BHG - Sông Ma chảy qua xã Tùng Bá (Vị Xuyên), cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, lòng sông Ma đã, đang bị bồi lấp, thay đổi dòng chảy, sạt lở 2 bên bờ nghiêm trọng; hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp nằm ven sông cũng bị sạt lở, vùi lấp không thể phục hóa… Điều này, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân nơi đây. Theo báo cáo của UBND huyện Vị Xuyên: Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Tùng Bá gần 276 nghìn m2 thuộc sự quản lý của 434 gia đình, cá nhân. 

24/10/2018
Chung tay cùng Bản Rịa khắc phục hậu quả sau lũ

BHG - Sau trận lũ ống xảy ra vào rạng sáng 22.10, người dân xã Bản Rịa (Quang Bình) đang phải gồng mình chống chọi hậu quả khắc nghiệt do thiên tai để lại. Giữa đống đổ nát hoang tàn, những vòng tay nhân ái kịp thời hướng về đồng bào vùng lũ động viên bà con vượt qua đau thương, mất mát, nhanh chóng vực dậy cuộc sống.

23/10/2018
Đồng chí Ly Mí Lử, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh thăm hỏi nhân dân vùng lũ xã Bản Rịa

BHG - Sáng 23.10, đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đến thăm, tặng quà các gia đình tại xã Bản Rịa, huyện Quang Bình bị thiệt hại về người và tài sản do lũ ống gây ra. Tại vùng lũ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ly Mí Lử đã đến thăm hỏi, hỗ trợ gia đình bà Hoàng Thị Thư (có người chết và mất tích), xóm 2, thôn Bản Rịa số tiền 5 triệu đồng...

23/10/2018
Bản Rịa hoang tàn sau lũ dữ

BHG - Sáng 22.10 là thời điểm ám ảnh đối với người dân xã Bản Rịa (Quang Bình) khi chỉ trong chốc lát, bao nhiêu mồ hôi công sức, của cải dành dụm cả đời của nhiều gia đình đã bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Dù qua hơn một ngày chống chọi với thiên tai nhưng vẻ thất thần vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt của những người nông dân lam lũ. Đau thương bao trùm lên ngôi làng bình yên khi cơn lũ đã cuốn trôi người, tài sản và vùi lấp hoa màu của nhiều gia đình...

23/10/2018