Tăng cường đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
BHG - Xác định công tác phòng, chống buôn lâu, gian lận thương mại và hàng giả (PCBL, GLTM&HG) là nhiệm vụ khó khăn; do tỉnh ta có địa hình rộng, chia cắt và có nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới. Để đảm bảo cho thị trường hàng hóa phát triển lành mạnh, an toàn, thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 về PCBL, GLTM&HG của tỉnh đã chủ động phổ biến kế hoạch và triển khai các giải pháp cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên tuyến biên giới và thị trường nội địa; qua đó, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan đến buôn lậu, GLTM &HG.
Đội Quản lý thị trường số 1 thành phố Hà Giang kiểm tra đột xuất cơ sở bán hàng tạp hóa Lâm Sâm tại tổ 8, phường Trần Phú (TPHG). |
Quán triệt sự chỉ đạo của các bộ, ngành T.Ư, tất cả các hành vi vi phạm về buôn lậu, GLTM&HG phải được xử lý đúng quy định của pháp luật. Thời gian qua, các ngành thành viên BCĐ 389 của tỉnh đã tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức, biết về các phương thức, thủ đoạn của hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng cấm qua biên giới; từ đó, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trao đổi, vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới, nhằm chống các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, tiếp tay cho buôn lậu, GLTM của cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng cấp, ngành.
Cùng với đó, BCĐ 389 của tỉnh, huyện đã mở các đợt cao điểm thanh tra, kiểm soát các đối tượng kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cụ thể: Trên tuyến biên giới, tổ chức phối hợp tuần tra, lập các chốt chặn trên các tuyến đường có khả năng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; đấu tranh loại bỏ các điểm tập kết, tụ điểm chứa hàng lậu; quản lý chặt việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới qua cửa khẩu phụ, lối mở. Trong thị trường nội địa, lực lượng Công an, Quản lý thị trường thanh tra chuyên ngành theo chức năng, lĩnh vực quản lý; phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, tập trung vào các mặt hàng cấm như: Ma túy, vũ khí, động vật hoang dã, đồ chơi mang tính bạo lực; các mặt hàng thiết yếu như: Rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, các loại thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón, động vật và sản phẩm động vật…
Với các giải pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả; trong 8 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý 321 vụ việc liên quan đến các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc; không niêm yết giá, bán hàng không theo giá niêm yết…; xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,6 tỷ đồng. Trong số các vụ vi phạm gần đây nhất, vào ngày 25.7.2018, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thành phố Hà Giang tiến hành kiểm tra Cửa hàng sửa chữa, thay thế phụ tùng xe máy Duy Mạnh, địa chỉ tại tổ 3, phường Minh Khai do ông Lương Văn Út làm chủ; lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng bày bán 23 mặt hàng gồm: Phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu HONDA và YAMAHA cùng với tem mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo. Với hành vi trên, Đội QLTT số 1 đã tiến hành xử phạt hành chính chủ cơ sở trên số tiền 46,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.
Theo nhận định của lãnh đạo Sở Công thương - cơ quan Thường trực BCĐ 389 của tỉnh, từ nay tới cuối năm là thời điểm hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Vì vậy, ngay từ bây giờ, BCĐ và các thành viên BCĐ 389 của tỉnh, huyện, thành phố đã có những giải pháp, kế hoạch PCBL, GLTM&HG và coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; tạo môi trường lành mạnh để phát triển KT- XH, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc