Người mang nghề làm trống Đọi Tam lên đất Hà Giang
BHG - Tùng, tùng, tùng..., những tiếng trống trường âm vang, rõ ràng và dứt khoát, chứa đựng niềm vui, sự mong chờ của bao thế hệ học trò trong ngày khai giảng năm học mới. Bởi ý nghĩa đó, bước vào năm học mới, các trường đều sửa lại trống hoặc mua trống mới. Nghề làm trống thường phổ biến tại các tỉnh đồng bằng, nhưng với nhu cầu của thị trường, anh Phạm Văn Công đã mang nghề tổ gia truyền của làng mình lên Hà Giang, đó là làng Đọi Tam, nổi tiếng nghề làm trống.
Anh Phạm Văn Công hoàn thiện chiếc trống trường cho chuyến hàng đầu năm học mới. |
Làng Đọi Tam thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Nam Định), có nghề làm trống lâu đời trên 1.000 năm. Đến nay, các sản phẩm của làng đã vang danh khắp cả nước với nhiều loại hình, kích cỡ khác nhau. Chúng tôi đã có buổi tìm gặp anh Phạm Văn Công, chủ cơ sở sản xuất duy nhất tại Hà Giang để tìm hiểu về nghề làm trống. Anh Công cho biết, để làm được một chiếc trống hoàn chỉnh, phải trải qua 3 công đoạn chính: Làm da, làm tang và bưng trống. Da trống được làm bằng da trâu, sau khi mua về được cạo lớp phôi cho mỏng rồi đem phơi khô. Tang trống được làm bằng gỗ mít khô, xẻ cong, mỗi cây mít được chia làm nhiều dăm, người thợ làm trống sẽ làm cho các dăm gắn kết lại với nhau, tạo thành trống kín, khít, tròn, dăm trống không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh. Bưng trống là việc khó nhất, sau khi căng tròn da trâu trên mặt trống với đinh bằng vầu hoặc tre, rồi đóng cố định vào thân trống, sau đó dùng gót bàn chân giẫm lên mặt trống để giãn da trâu. Cái khó của bưng trống là đòi hỏi người làm trống phải có tai thính để thẩm định tiếng trống ăn vào nốt nhạc nào trong dàn trống.
Là làng nghề truyền thống nên 100% người dân sống tại đây đều làm trống. Cùng với tục lệ cha truyền con nối, bí quyết làm trống chỉ được truyền cho con trai, nên ngay từ nhỏ những cậu bé đã được gia đình cho tiếp cận với nghề. Bởi vậy, đây cũng là cơ duyên để anh Phạm Văn Công lập nghiệp trên Hà Giang, anh tâm sự: “Từ khi 3, 4 tuổi, tôi đã được tiếp cận với cách làm trống. Khi 20 tuổi, theo cha lên Hà Giang và đi các trường học nhận trống về sửa. Sau quá trình rèn luyện và thành thạo nghề, năm 2016, tôi chính thức đặt cơ sở làm trống tại Hà Giang. Làm trống đòi hỏi nhiều bước và có nhiều loại trống khác nhau, nhưng qua quá trình sống tại đây thấy phù hợp và có thể phát triển nhất là trống trường. Nên hiện tại, gia đình nhập nguyên liệu về làm như dăm, da trâu từ cơ sở của gia đình tại làng Đọi Tam để lắp ghép, sơn và trang trí cho chiếc trống...”.
Hiện nay, bình quân mỗi năm học mới anh làm và bán được gần 100 chiếc trống. Bên cạnh nghề làm trống, anh Công cũng mở rộng thêm loại hình kinh doanh như: Thiết bị trường học; bàn ghế hội nghị; bạt và các đồ dùng Inox... Cùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn và là nhà sản xuất trống duy nhất tại Hà Giang, nên các sản phẩm của anh rất được ưa chuộng và nhanh chóng được nhiều người biết đến. Bởi vậy, sau hơn 2 năm tại Hà Giang, anh đã xây dựng thành công cơ ngơi của mình, với một xưởng sản xuất, một nhà trưng bày các sản phẩm và một cơ sở dành riêng cho việc làm trống.
Chuẩn bị cho năm học mới, cơ sở sản xuất của gia đình anh Phạm Văn Công lại bận rộn với tiếng cắt, xẻ. Trống của anh ngày càng có mặt nhiều tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Năm học 2018 – 2019 đang bắt đầu, những tiếng trống lại vang lên chứa đựng hy vọng và hứa hẹn nhiều thành công.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc