Gỡ khó trong quy tụ dân cư ở Quản Bạ
BHG - Thời gian qua, huyện Quản Bạ đã hoàn thành ổn định tại chỗ và di chuyển đến nơi an toàn cho 60 hộ dân, với 280 khẩu ở vùng có nguy cơ bị sạt lở ; đây là những nỗ lực lớn của huyện có điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình chia cắt mạnh.
Hộ anh Vàng Sào Dùng, thôn Tả Súng Chư, xã Nghĩa Thuận xây dựng nhà mới. |
Thực hiện Đề án Quy tụ các hộ sống rải rác ở những sườn núi cao, vùng tiềm ẩn thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn, bản gắn xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; được xác định là một trong những việc trọng tâm của huyện. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quản Bạ, Mùng Xuân Huynh, cho biết: “Việc tìm quỹ đất bố trí chỗ ở cho các hộ là một bài toán khó cần giải quyết do địa hình bị chia cắt. Song thực hiện kế hoạch bố trí, ổn định dân cư năm 2018, huyện đã ổn định chỗ ở cho 60 hộ với 280 khẩu tại 6 xã, thị trấn. Trong đó, có 50 hộ xen ghép và 10 hộ ổn định tại chỗ, với tổng số tiền là 1.550 triệu đồng”. Nghĩa Thuận là xã vùng biên, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất trong những năm gần đây, 11 hộ dân đang thực hiện di dời nhà đến nơi ở mới an toàn hơn. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Phan Thông Quyết, cho biết: “Thôn Tả Súng Chư có 11 gia đình nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cần di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Mặc dù các hộ trên là điểm mới phát sinh, không nằm trong phương án quy tụ dân cư đã được UBND tỉnh phê duyệt, song UBND xã đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân; giúp các hộ dân tìm địa điểm ở lâu dài, trước mắt có phương án di chuyển lên trụ sở thôn, xã… để có nơi ở tạm thời, đảm bảo tính mạng và tài sản”. Đến nay đã có 8 hộ đang san ủi mặt bằng để làm nhà tạm thời, do điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có tiền để xây dựng nhà kiên cố. Hơn nữa, toàn xã là địa hình núi cao, bị chia cắt mạnh nên khó tìm mặt bằng cho các hộ dân.
Hộ anh Vàng Sào Dùng ở thôn Tả Súng Chư, xã Nghĩa Thuận đang xây dựng nhà mới bằng số tiền hỗ trợ 30 triệu đồng theo Đề án Quy tụ dân cư, tâm sự: Trước đây tôi sống ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, những ngày trời mưa to đều lo lắng không ngủ được. Đến nay nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương gia đình đã yên tâm có chỗ ở mới”. Còn hộ ông Vàng Seo Diu ở tổ 1, thị trấn Tam Sơn, cho biết, nhà ông được hỗ trợ 10 triệu đồng làm kè chống sạt lở, ổn định tại chỗ theo chương trình của tỉnh; nhờ có kè mới nên gia đình không còn lo lắng mỗi khi trời mưa.
Khó khăn trong việc tìm mặt bằng cho các hộ di dời khẩn cấp là bài toán nan giải chung ở các địa phương miền núi. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Sơn, Viên Tiến Hưng: “Do quỹ đất của thị trấn rất hạn hẹp nên phần lớn các hộ dân đều được hỗ trợ tiền để xây kè, ổn định tại chỗ. Có một số hộ thuộc diện cần di dời là hộ nghèo, không có điều kiện để làm nhà mới cũng là một khó khăn trong công tác quy tụ dân cư”. Phần lớn các hộ dân di dời đều phải bỏ thêm tiền để xây dựng nhà kiên cố, đối với những hộ không đủ tiền xây nhà, chính quyền địa phương đã huy động nhân dân đóng góp ngày công giúp đỡ làm nhà tạm. Đây cũng là giải pháp để làm tốt công tác hỗ trợ các hộ di dời ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài tại nơi ở mới. Được biết cuối năm 2018, huyện Quản Bạ bổ sung thêm gần 50 hộ ở 7 xã, thị trấn thực hiện di dời. Đây là nhiệm vụ cấp bách, cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân yên tâm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc