Non sông liền một dải! - Kỳ 1: Hiên ngang dáng hình Tổ quốc nơi đầu sóng!
BHG - Tháng Tám, mùa Thu lại về trên dải đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Tháng Tám, trái tim hàng triệu người Việt Nam trên khắp dặm dài Tổ quốc lại bồi hồi nhớ về sự kiện lịch sử trọng đại: Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong không khí mùa Thu lịch sử, cùng với quyết tâm giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta luôn hướng về biển, đảo Tổ quốc, nguyện kề vai, sát cánh bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo quê hương…
Hình ảnh về cuộc diễn tập sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn 125, vùng Hải quân 2 được trưng bày tại triển lãm “Biển, đảo và người chiến sỹ Hải quân”. |
Đầu tháng 8 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Chính trị Quân chủng Hải quân tổ chức trưng bày chuyên đề “Biển, đảo và người chiến sỹ Hải quân” – “Hà Giang chung sức xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới lễ ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Tỉnh ủy Hà Giang với Đảng ủy Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Triển lãm trưng bày được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh và Quảng trường 26.3 (thành phố Hà Giang) với gần 300 hình ảnh, tư liệu, bản đồ, bản trích, mô hình tàu chiến đấu… mô tả chân thực cuộc sống của quân và dân trên đảo Trường Sa; những chiến công tiêu biểu của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh tham quan triển lãm tại Bảo tàng tỉnh. |
Nhiều hình ảnh, tư liệu quý từ những năm 1955, 1959 được gìn giữ nguyên vẹn như bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sỹ trên đảo Hòn Rồng trong lần Người về thăm đảo, tháng 3.1959; lễ ra mắt 2 thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng trên sông Cấm (Hải Phòng), ngày 24.8.1955, đây là những đơn vị tàu chiến đấu đầu tiên của Hải quân Việt Nam. Hay hình ảnh bốc hàng xuống tàu tham gia chiến dịch vận chuyển gián tiếp vũ khí chi viện chiến trường miền Nam tháng 11.1968 và tháng 1.1969… Những hình ảnh, tư liệu quý đã giúp đồng bào Hà Giang hình dung về những ngày đầu mới thành lập của Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955), tuy còn non trẻ nhưng đã tạo được nhiều chiến công xuất sắc, đi vào lịch sử nước nhà như những biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam. Trải qua 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân chủng đã có những bước tiến vững chắc trong xây dựng lực lượng vững mạnh về mọi mặt. Chất lượng và hiệu quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu có sự tiến bộ rõ rệt, năng lực làm chủ vùng biển ngày càng vững chắc hơn. Lực lượng, phương tiện, trang bị của Quân chủng ngày càng chính quy, hiện đại. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.
Cùng với những hình ảnh mô tả quá trình luyện tập, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trực thuộc và những chiến công tiêu biểu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, triển lãm còn trưng bày nhiều hình ảnh về cuộc sống nơi đầu sóng của quân và dân Trường Sa; những chuyến thăm nối đất liền với hải đảo, những hoạt động ủng hộ thể hiện tình cảm của nhân dân cả nước với biển, đảo quê hương… Trong đó, hình ảnh về những ngôi chùa mang đậm kiến trúc truyền thống trên đảo Trường Sa được trưng bày ở triển lãm đã tạo nhiều ấn tượng với người xem. Từ ngàn đời nay, người Việt ở đâu nơi đó có chùa. Giữa mênh mông sóng nước, những ngôi chùa giúp quân và dân Trường Sa thêm ấm lòng khi hướng về đất Mẹ. Nhà báo Đặng Quang Vượng, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hà Giang đã có chuyến thăm đảo Trường Sa năm 2012 chia sẻ: Chưa khi nào tiếng chuông chùa đem lại nhiều cảm xúc như ở Trường Sa năm ấy. Trong không gian mênh mông của biển cả, giữa tiếng sóng vỗ rì rào trên những triền cát trắng, tiếng chuông chùa ngân vang trầm bổng khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở một miền quê thanh bình chứ không phải nơi hải đảo xa xôi. Tôi chợt bồi hồi nhớ đến một tứ thơ “Tiếng chuông chùa lan tỏa nơi đảo xa/ Nghe câu kinh, nhịp mõ an hòa/ Nơi biển lặng in mái chùa dân tộc/ Ta thấy hồn Đại Việt ở Trường Sa”…
Qua những hình ảnh, tư liệu tại cuộc triển lãm đã thổi bùng lên tình yêu biển, đảo quê hương của nhân dân nơi địa đầu cực Bắc và khắc họa rõ hơn dáng hình Tổ quốc nơi đầu sóng. Ở nơi quanh năm sóng vỗ, nắng, gió, bão bùng rất khắc nghiệt ấy, quân và dân Trường Sa vẫn kiên cường bám giữ biển, đảo quê hương. Những người lính từ mọi miền Tổ quốc bởi yêu đảo đã cùng về Trường Sa để nơi đây trở thành mái nhà chung, để đồng đội trở thành anh em một nhà, cùng nhau canh giữ cho lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong mặn mòi gió biển…
Kỳ 2: Thắm tình đoàn kết keo sơn!
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc