Cuộc sống mới ở Tùng Nùn - Kỳ 1: Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai

17:01, 15/08/2018

BHG - Hơn tháng sau ngày thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên, cuộc sống mới đang hồi sinh. Những ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố đang dần hoàn thiện, mầm xanh của ngô đã vươn lên mạnh mẽ, những đứa trẻ vui đùa tại điểm trường trước thềm năm học mới và người già không còn tiếng thở dài nhìn về phía núi mờ xa…

Những ngôi nhà mới của người dân Tùng Nùn đang dần hoàn thành.
Những ngôi nhà mới của người dân Tùng Nùn đang dần hoàn thành.

Bài học “4 tại chỗ”

Trận mưa lũ lịch sử xảy ra vào rạng sáng 24.6 vừa qua mang theo khối đất, đá khổng lồ từ đỉnh núi quét qua thôn Tùng Nùn đã cướp đi sinh mạng của 2 người, cuốn trôi 7 ngôi nhà, nhiều ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng, phần lớn diện tích đất sản xuất bị vùi lấp hoàn toàn, nhiều hộ đã thoát nghèo bỗng chốc trở lại đói nghèo vì mất toàn bộ tài sản.

Mưa lũ xảy ra, hệ thống giao thông đến Tùng Nùn bị chia cắt hoàn toàn. Trong thời gian chờ sự hỗ trợ của cấp trên, Ban Cán sự thôn Tùng Nùn đã huy động nhân dân tập trung tìm kiếm các nạn nhân, hỗ trợ người già, trẻ em đến nơi an toàn. Lãnh đạo xã Lùng Tám chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả thiên tai; cán bộ, đảng viên toàn xã trực tiếp bám địa bàn, huy động lực lượng dân quân, đoàn viên thanh niên, người dân các thôn tập trung hỗ trợ Tùng Nùn tìm kiếm tài sản, nạo vét bùn đất, dựng lại nhà cửa; cử người dân sử dụng xe máy trực tại các điểm bị chia cắt để hỗ trợ các đoàn công tác các đoàn từ thiện vào thôn. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của huyện trực tiếp chỉ đạo huy động lực lượng trực tiếp xuống giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai; tham gia cứu người, tài sản, cung cấp lượng thực, thuốc men, chăn màn, quần áo và các vật dụng cần thiết cho người dân; chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương lân cận hỗ trợ, khắc phục các vấn đề về: Giao thông, nước sạch, điện, môi trường… Bên cạnh đó, huyện Quản Bạ chủ động kết hợp, kêu gọi hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Bí thư Đảng ủy xã Lùng Tám, Nguyễn Ánh Dương cho biết: Người dân Tùng Nùn chưa bao giờ bị thiên tai nặng đến thế; vị trí con lũ dữ quét qua bằng phẳng, không nằm cạnh khe suối, được đánh giá khá an toàn. Trong kế hoạch di dời dân khỏi vùng nguy bị cơ sạt lở cao năm 2018, không có danh sách các hộ dân thôn Tùng Nùn. Từ ngày mưa lũ xảy ra, cán bộ, đảng viên trong xã, thôn không có ngày nghỉ. Đến nay, cuộc sống đã tạm ổn, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, để người dân thực sự có cuộc sống ổn định.

Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Hoàng Đình Phới chia sẻ: Ngoài việc huy động lực lượng “4 tại chỗ”, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai; xác định việc xây dựng nhà ở cho người dân là cấp thiết, trong điều kiện ngân sách địa phương hạn chế, huyện đã bổ sung thêm danh sách các hộ bị cuốn trôi nhà do mưa lũ vào kế hoạch quy tụ dân cư năm 2018; triển khai thiết kế mẫu nhà ở vừa đảm bảo nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, vừa có khả năng chống chịu thiên tai. Đến nay, những ngôi nhà mới có giá trị trên 100 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm và một phần kinh phí của người dân đang được gấp rút hoàn thành, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Nhờ linh hoạt, chủ động khắc phục hậu quả thiên tai của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã, cuộc sống người dân vùng lũ Tùng Nùn đang dần ổn định.

Niềm vui trong ngôi nhà mới

Chúng tôi về Tùng Nùn vào một ngày đầu tháng 8, nắng Thu trải vàng trên khắp triền núi; các thầy, cô giáo đang khẩn trương dọn dẹp điểm trường chuẩn bị năm học mới; những đứa trẻ vui đùa trong tiếng cười giòn tan.

Trưởng thôn Tùng Nùn Giàng Mí Cháng bận rộn họp với Ban Cán sự thôn, với dân để bàn việc sử dụng tiền của các nhà hảo tâm đúng mục đích; trao đổi với các cô giáo việc chuẩn bị khai giảng năm học mới; chạy đến các hộ đang làm nhà để theo dõi, thúc đẩy tiến độ thi công… Công việc lấy hết thời gian, mệt bã người, nhưng nụ cười của chàng trai người Mông trưởng thành với tấm lòng hết mình vì dân bản: “Người dân bị mất người thân, mất nhà cửa, mất hết tài sản, họ đau khổ lắm rồi, mình vất vả một chút thì có gì đáng để nói” – Giàng Mí Cháng tâm sự.

 Dẫn chúng tôi đi dọc con đường vào thôn, anh Cháng chỉ vào từng ngôi nhà đang xây và cho biết chi tiết tình trạng thiệt hại của từng hộ dân; rồi anh dừng lại bên đường, hướng mắt về ngôi nhà đẹp đang xây ngay đầu thôn: Đây là nhà của Lò Chính Cồ, người có vợ và con gái bị lũ cuốn trôi. Chỗ cũ không thể ở được, Cồ về dựng nhà phía đầu thôn, cạnh nhà bố mẹ. Chúng tôi ghé thăm nhà Lò Chính Cồ, anh đi vắng; bọn trẻ chơi cạnh nhà bảo anh ra chợ huyện, mua ít đồ dùng và mua quần áo cho con chuẩn bị vào năm học mới. Đứa con gái nhỏ của Cồ dường như đã quen với việc không còn mẹ, em vui vẻ chơi đùa cùng các bạn trong ngôi nhà mới sắp hoàn thành.

Chị Đào Thị Mỷ, dừng tay dọn dẹp nhà mới khi thấy chúng tôi ghé thăm. Nhớ lại trận lũ vừa qua, chị kể: Hôm đó, nhà tôi vừa ngủ dậy, chuẩn bị đi nương thì nghe tiếng nước, đất đá ầm ào chảy xuống từ phía núi, tôi chỉ kịp bế con chạy ra khỏi nhà, còn tất cả đã bị lũ cuốn trôi. Nhờ sự giúp đỡ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm, tôi đã có được nhà mới khang trang, vững chãi, yên tâm sinh sống. Hai đứa con của chị Đào Thị Mỷ chơi đùa trên nền nhà mới còn vương đất đá, trong mắt chúng ánh lên những niềm vui…

Bí thư Đảng uỷ xã Lùng Tám Nguyễn Ánh Dương cho biết: Chủ trương của huyện là quy tụ dân cư theo hình thức xen ghép; các hộ mất nhà ở Tùng Nùn tự tìm đất dựng nhà, có thể thỏa thuận cho, nhận của người thân, hoặc mua, bán với người dân trong thôn. Có đất rồi, cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, cán bộ xã trực tiếp xuống thôn giúp người dân làm thủ tục sang tên, chuyển đổi mục đích sử dụng và các thủ tục cần thiết để dựng nhà; xã tiếp tục huy động lực lượng giúp người dân san ủi nền, tạo mặt bằng dựng nhà mới.

Sau lũ dữ, người dân Tùng Nùn được sự chung tay kịp thời của các cấp, ngành và toàn xã hội, cuộc sống đang dần ổn định. Nhưng, chặng đường mưu sinh phía trước còn lắm gian nan!

Kỳ cuối: Giải bải toán sinh kế cho người dân vùng lũ.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cử tri xã Lũng Chinh rất mong sớm quy hoạch lại chợ Lũng Phìn

BHG - Chợ Lũng Phìn thuộc xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, được xây dựng từ năm 2001 và nâng cấp mở rộng năm 2011, với quy mô 6.664m2, cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân các xã thuộc huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh. Từ lâu, chợ Lũng Phìn được nhân dân và du khách khắp nơi biết đến là chợ phiên truyền thống, khá nổi tiếng của đồng bào các dân tộc sinh sống trên vùng Cao nguyên đá; là một trong hai chợ có quy mô lớn nhất, số người đi chợ đông nhất của 4 huyện vùng cao phía Bắc, chỉ xếp sau chợ trung tâm thị trấn Mèo Vạc...

14/08/2018
Yên Minh tăng cường đối thoại để hiểu dân, gần dân và xây dựng lòng tin trong nhân dân

BHG - Thực hiện Kế hoạch số 69 ngày 28.6.2016 của Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; hơn 2 năm qua, Bí thư Huyện ủy Yên Minh, Nguyễn Khánh Lâm; Chủ tịch UBND huyện, Phan Thị Minh và người đứng đầu các ngành, các địa phương ở huyện Yên Minh đã tích cực tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân. Nhiều ý kiến, kiến nghị được giải quyết ngay trong các buổi đối thoại làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền huyện vùng cao này.

 

14/08/2018
Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

BHG - Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh đã tích cực tham mưu cho BCĐ xem xét và ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện CVĐ. Thông qua hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của CVĐ trong các cấp lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo thói quen trong dùng hàng Việt Nam...

 

14/08/2018
Bão số 4 có khả năng mạnh thêm, Bắc Bộ chuẩn bị đón mưa rất to

Hồi 4 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km tính từ tâm bão.

14/08/2018