"Cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ"
BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Khắc sâu lời căn dặn của Người, để cụ thể hóa các quan điểm lãnh, chỉ đạo, điều hành từ các cấp ủy, chính quyền; phụ nữ Hà Giang đang nỗ lực tạo nên “Cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Cán bộ nữ của Trung tâm phục vụ Hành chính công huyện Bắc Quang giúp người dân thực hiện các giao dịch hành chính. |
Xuyên suốt quá trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phụ nữ (CTPN) và bình đẳng giới (BĐG). Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 27.4.2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “CTPN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (NQ11); CTPN nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc đã có bước chuyển tích cực. Sau hơn 10 năm thực hiện NQ11 đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức xã hội về CTPN và BĐG. Để có kết quả này, từ công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh, BTV Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt việc tuyên truyền CTPN và BĐG trong hệ thống Hội; giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CTPN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước. Chủ động phối hợp với Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức gần 90 lớp tập huấn, trên 40.600 cuộc tuyên truyền về NQ11 cùng các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ hoặc tổ chức hoạt động các hoạt động: Gặp mặt, chia sẻ kinh nghiệm của lãnh đạo nữ, nữ đại biểu HĐND tiêu biểu; chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy phụ nữ tham gia vào hoạt động quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị... thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ khoa học đang từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và mục tiêu BĐG; các cấp Hội thường xuyên phối hợp với Ban Tổ chức cấp ủy cùng cấp theo dõi, nắm tình hình cán bộ nữ, chủ động tham mưu cho cấp ủy trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ nữ; vận động cán bộ Hội, cán bộ nữ sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được điều động, luân chuyển hoặc bổ nhiệm. Đồng thời, tham mưu, đề xuất, giới thiệu cán bộ nữ có đủ điều kiện cho cấp ủy đưa vào diện quy hoạch chức danh chủ chốt các cấp. Hơn 10 năm qua, đã có 76 cán bộ phụ nữ được bổ nhiệm, luân chuyển sang cấp ủy, chính quyền, đoàn thể khác. Trong đó, cấp tỉnh có 10 chị, cấp huyện 25 chị và cấp cơ sở có 42 chị. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh là 7/54 chị, chiếm 12,96%; cấp huyện là 84/476 chị, đạt 17,64%, cấp cơ sở có 603/3.229 chị, đạt 18,67%; lần lượt tăng 0,24%, 2,9% và 3,33% so với nhiệm kỳ trước. Nổi bật trong đó, có chị là Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang hoặc là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh... Cùng với đó, công tác bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp được các cấp Hội quan tâm, góp phần nâng tổng số đảng viên nữ lên 21.012, tăng 4,18% so với năm 2017…
Nối dài kết quả trên, nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện NQ11, qua công tác tham mưu của Hội LHPN tỉnh, ngày 5.7.2018 BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 331 thực hiện Chỉ thị số 21, ngày 20.1.2018 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tiếp tục đẩy mạnh CTPN trong tình hình mới (CT21). Trong đó, đặt ra một số nội dung, nhiệm vụ cụ thể của cả hệ thống chính trị như: Tuyên truyền sâu rộng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ về CTPN và BĐG. Thực hiện luật pháp, chính sách về BĐG, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện. Xây dựng, củng cố tổ chức Hội LHPN các cấp vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ...
Có thể khẳng định, với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng ý thức vươn lên của phụ nữ trong thể hiện phẩm chất: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; việc thực hiện hiệu quả NQ11 và CT21 sẽ là nền tảng vững tạo chuyển biến sâu sắc trong hành động của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác phụ nữ trong tình hình hình mới; tạo nên “cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc