Vẹn nguyên ký ức "thời hoa lửa"
BHG - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh ta có hàng vạn thanh niên, những người con ưu tú xung phong lên đường ra mặt trận. Trong số đó, có rất nhiều người ra đi mãi mãi, có những người trở về nhưng mang trong mình thương tật suốt đời. Đã 43 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, những vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng… nhưng ký ức về một “thời hoa lửa” vẫn không thể nào quên với những chiến sỹ năm xưa.
Các cựu chiến binh ôn lại kỷ niệm những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
Tháng Bảy về, trong niềm rưng rưng xúc động, tôi có dịp gặp lại Trung tá Ấu Đức Túc, tổ 1, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang). Ông là nhân chứng lịch sử tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, giai đoạn (1946 -1954). Bước sang tuổi 90, giọng nói vẫn hào sảng, khuôn mặt ánh lên niềm tự hào, ông Túc kể lại: “Năm 1946, tôi vào quân đội và làm nhiệm vụ tại Sư đoàn 312, lúc đó nạn thổ phỉ hành hoành, ông bị bắt, tra tấn và hành hạ dã man. Sau khi trốn thoát, trở lại đơn vị, ông trực tiếp tham gia các trận đánh lớn, nhỏ. Trước khi mở chiến dịch Thượng Lào, Bác Hồ gửi thư động viên cán bộ, chiến sỹ: “Lần này là lần đầu tiên các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp dân nước bạn, mà giúp dân nước bạn tức là tự mình giúp mình”. Thấm nhuần lời căn dặn thiêng liêng của Người, ông cùng đồng đội đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, giành thắng lợi.
Năm 1954, trong suốt hành trình 56 ngày đêm Điện Biên Phủ, ông đều có mặt từ đầu đến cuối trận đánh. Những ngày tháng hành quân làm đường, kéo pháo, làm hầm, bám sát từng mét chiến hào, lô cốt, băng qua hàng thép gai, lửa đạn chẳng thể nào quên. Lúc bấy giờ thương vong nhiều vô kể, đứng trước vận mệnh của dân tộc, sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và tài thao lược sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Trải qua 3 đợt tấn công liên tục quân đội thực dân Pháp đã bị tiêu diệt hoàn toàn, làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và địch. Thời gian có thể làm đôi mắt mờ đi, đôi chân chậm lại, nhưng cảm xúc vẫn vẹn nguyên trong trái tim ông khi được chứng kiến việc tướng Đờ - Cát - tơ - ri đầu hàng vào chiều ngày 7.5.1954.
“Tuổi thanh xuân đi vào chiến trường ác liệt” đó hoài niệm của cựu chiến binh Vương Ngọc Ánh, tổ 3, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên). Mùa Xuân năm 1968, ông Ánh tòng quân kháng chiến chống Mỹ. Chiến trường miền Tây - Đông Nam Bộ - Campuchia như đổ lửa, nơi sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc, máu đỏ hòa quyện vào lòng đất mẹ, nhắc nhở các chiến sỹ không sợ hy sinh, gian khổ. Sư đoàn 304 của ông có nhiệm vụ cắt rào hàng sắt, dò bom mìn để lính đặc công tiến vào trận đánh. Trực tiếp làm hậu cần ở Campuchia, trải qua 6 trận đánh tại vùng Bảy Núi, huyện Tri Tôn (An Giang), trận cuối cùng ác liệt nhất vào tháng 1.1970 là kỷ niệm sâu sắc. Nơi đây, tại hàng rào đồn Ô Lâm, ông gan dạ cắt hàng rào cho chiến sỹ và bị thương tật 27% ở ngón trỏ (tay phải) và ở chân, 35 chiến sỹ trong Đại đội đã mãi mãi nằm xuống. Trong trận này, ông được kết nạp Đảng, phong quân hàm từ Trung sỹ lên Thượng sỹ.
Năm 1968, hành quân dọc Trường sơn đến Quân khu thuộc Trung đoàn 66, mặt trận B3 (Tây Nguyên)… Thiếu tướng Hoàng Văn Toái, tổ 20, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) bồi hồi nhớ lại: Chiến trường Tây Nguyên vất vả nhất, khổ nhất, huấn luyện vào mùa mưa, đơn vị phải trồng sắn, ăn khoai Môn thay cơm. Do địa bàn rừng núi, địch lại có đủ pháo binh, không quân, đánh đến đâu ác liệt đến đó nhưng bộ đội ta vẫn bám trụ. Trận đánh Ngọc Bờ Biêng (Kon Tum) đánh vào sân bay Hòa Bình (Đắk Lắk) diễn ra vô cùng ác liệt, cán bộ, chiến sỹ gắn bó với nhau đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Sài Gòn chia làm 5 mũi tấn công, đơn vị của ông tiến vào giải phóng Tân Sơn Nhất. Đúng 11h30 phút ngày 30.4.1975, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giây phút đó ông Toái nhớ mãi.
Thời gian qua đi, nhưng ký ức một “thời hoa lửa” vẫn lắng đóng và thật đáng trân trọng với mỗi chiến sỹ. Trong cuộc sống thời bình, họ lại dồn tâm sức, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Cuộc đời của những người lính năm xưa thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay học tập và làm theo.
Bài, ảnh: HẠ HÒA
Ý kiến bạn đọc