Niềm thương, nỗi nhớ… Tháng tri ân!
BHG - Mặc cho nắng vàng rát bỏng hay mưa tuôn xối xả của ngày Hè tháng Bảy, từng đoàn xe vượt bao cây số đường dài đến với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên). Ở nơi ấy, tháng Bảy luôn thắm đỏ những nén tâm hương và lắng đọng niềm thương, nỗi nhớ của lớp lớp thế hệ hôm nay khi hướng về Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27.7…
Đoàn cựu chiến binh huyện Văn Chấn (Yên Bái) thắp hương viếng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. |
Sau gần 3 ngày, đêm, vượt chặng đường dài trên 1.700 km từ xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, gia đình liệt sỹ Lê Văn Cành mới tới được nơi anh yên nghỉ, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, để thắp những nén hương thơm. Chị Lê Thị Mai, con gái liệt sỹ không giấu nổi giọt nước mắt xúc động: Khi tôi hơn 2 tuổi, chưa kịp ghi nhớ ký ức về cha thì người đã mãi an giấc thiên thu. Giờ đây, tròn 38 năm sau ngày cha mất, tôi và gia đình mới có cơ hội thắp cho người nén hương thơm, sau bao năm kiếm tìm phần mộ của cha... Nhẹ thắp cho chồng nén hương, bà Lê Thị Bảy – vợ liệt sỹ Lê Văn Cành nước mắt đẫm hàng mi. Có lẽ, bao ký ức thời son trẻ lại ùa về trong tâm khảm bà. Ký ức ấy là tuổi thanh xuân bà sớm xa chồng, khi Tổ quốc cần ông lên đường nhập ngũ, bảo vệ núi sông, bờ cõi trước cảnh ngoại xâm. Ký ức ấy là năm tháng tảo tần, bà nuôi con khôn lớn đến ngày trưởng thành… Rồi bà gạt nước mắt, tự hào nói với 2 cháu nhỏ: Ông ngoại các cháu đóng quân ở Đại đội (C) 7, Tiểu đoàn (D) 8, Trung đoàn (E) 14, Sư đoàn (F) 313. Ông đã anh dũng chiến đấu với quân xâm lược, để các cháu được sống hạnh phúc cùng gia đình, thầy cô, bạn bè như ngày hôm nay đấy!...
Khẽ gục đầu trên phần mộ đồng đội trong làn khói hương giăng mờ, cựu chiến binh Hà Đình Giang nức nở gọi tên đồng đội. Tình cảm xúc động của ông cũng là nỗi niềm của bao đồng đội khác thuộc E 174, F 316. Hôm nay, họ đã vượt quãng đường dài từ huyện Văn Chấn (Yên Bái) đến thăm đồng đội yên nghỉ nơi Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Cầm trên tay nén hương thắp lên phần mộ đồng đội, họ không giấu được niềm thương xót trước sự ra đi của người đồng chí. Bởi, những năm, tháng trong quân ngũ, họ đã cùng nhau “nằm gai nếm mật”, chống chọi với sốt rét rừng, băng qua mưa bom, bão đạn của quân thù để chắc tay súng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi điểm cao: 233, 1509, 1100, 685, 772, 468… hay những địa danh: Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Minh Tân của mặt trận Vị Xuyên… Thế nhưng, khi đất nước yên tiếng súng, bao đồng đội vĩnh viễn nằm lại nơi biên cương mà chưa một phút hưởng nền quốc thái, dân an…
Chứng kiến giây phút đồng đội coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng” hay quên mình vì nghiệp lớn, để lại trong tâm khảm bao cựu chiến binh hôm nay những ký ức mang theo suốt cuộc đời. Cựu chiến binh Sa Xuân Trường, y tá Đại đội 11 (D3, E174, F316) ngày ấy kể lại: Có lần sơ cứu cho một lính đặc công bị mìn nổ, giập nát ống chân phải, khiến tôi vô cùng khâm phục sự kiên trung, bất khuất của anh. Khi đó, anh nói với tôi: “Chú có cách nào cắt luôn phần ống chân cho anh, để anh chiến đấu cho tiện?”. Nhưng lúc ấy, vì không đủ dụng cụ y tế, tôi chỉ có thể giúp anh băng bó, nẹp lại vết thương... Mặc cho đau đớn dày vò, anh vẫn bò lết xuống đất để di chuyển, hai tay cầm chắc cây súng, sẵn sàng chiến đấu… Kể đến đây, ánh mắt ông Trường ngời sáng niềm tự hào nhưng cũng nhanh chóng nhòe đi vì nước mắt, khi nhớ đến hình ảnh những đồng đội không kịp đợi ông băng bó vết thương đã vội trút hơi thở sau cùng… Rồi ông Trường bùi ngùi nhớ lại: Năm 1984, tôi bị thương ở điểm cao 233 phải xuống trạm phẫu Vị Xuyên điều trị rồi được điều chuyển sang đơn vị khác. Khi đó, đi qua nghĩa trang này, tôi thấy rất ít phần mộ. Vậy mà hôm nay, sau 34 năm trở lại, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên đã có đến 1.760 phần mộ. Chiến tranh thực sự khốc liệt quá!. Rồi biết bao đồng chí, đồng đội trước khi xung trận đều có chốn chôn rau, cắt rốn, được mẹ cha yêu thương đặt tên nhưng khi nằm lại nơi nghĩa trang này, Tổ quốc còn… chưa biết hết tên!.
Những hy sinh cao quý trên của bao anh hùng, liệt sỹ đã để lại cho lớp lớp thế hệ hôm nay tình cảm trân trọng, cảm phục và lòng biết ơn vô bờ bến. Suốt 2 thập kỷ qua, cứ đến tháng Bảy hàng năm, bà Ngô Thị Huê, thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) lại tổ chức đoàn cho nhiều phụ nữ trên địa bàn thị trấn đi thắp hương tri ân tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Có người trong số ấy tuổi đã ngoài 80 như cụ Phạm Thị Điệt vẫn luôn viếng thăm nơi an nghỉ của các liệt sỹ. Bởi họ không chỉ đau đáu tình cảm tri ân người đã ngã xuống vì bảo vệ biên cương Tổ quốc mà còn chia sẻ nỗi đau mất con với những mẹ liệt sỹ dứt ruột sinh thành, một đời đợi con!...
Mỗi tháng Bảy về, bao người con trên mọi miền đất Việt lại tìm đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, thắp nến, dâng hương tri ân những người con ưu tú của dân tộc. Tôi nhớ mãi chia sẻ của cô sinh viên Ma Thị Nhớ, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên): Tuổi thanh xuân và máu xương các anh hùng, liệt sỹ đã tô thắm màu cờ độc lập dân tộc... Tuổi trẻ hôm nay cần rèn đức, luyện tài để không sống hoài, sống phí trước sự hy sinh cao quý ấy. Và đặc biệt, mỗi chúng ta hãy luôn rực cháy ngọn lửa tri ân để sáng mãi truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc