Nhiều thay đổi trong thực hiện chế độ Bảo hiểm Xã hội
BHG - Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1.1.2016, song có nhiều quy định mới chính thức được áp dụng từ 1.1.2018. Các chế độ chính sách này đang thu hút sự quan tâm của người lao động cả trong và ngoài khối nhà nước.
Cán bộ BHXH tỉnh kiểm tra hồ sơ của người đóng BHXH. |
Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Hà Giang), Nguyễn Quốc Huy, cho biết: Thay đổi lớn nhất trong năm nay, đó là việc tăng dần số năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa. Theo đó, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa 75%. Lao động nam đủ 60 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa 75%. Từ năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động, thì “Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”. Trên cơ sở đó, Luật BHXH năm 2014 đã quy định lộ trình về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) trong khu vực doanh nghiệp. Phía đơn vị sử dụng lao động và NLĐ trên địa bàn tỉnh đã được tuyên truyền về những thay đổi mới trong thực hiện Luật BHXH. Từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã giải quyết chế độ hưu trí cho 354 trường hợp.
Một điểm nữa là có thêm 2 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đó là NLĐ có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng và NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Điều này rất có ý nghĩa đối với những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như tỉnh ta.
Trong quá trình thực hiện việc chi trả các chế độ BHXH còn một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đúng về các thay đổi mới của chính sách BHXH. Cụ thể như: Đối với các chế độ ngắn hạn là ốm đau, NLĐ nghỉ ốm từ 5-7 ngày, trong tháng đó không có lương thì sẽ được BHXH chi trả chế độ. Tuy nhiên, trong năm 2017 có khá nhiều trường hợp bị thu hồi lại số tiền đã chi trả chế độ ốm đau sau khi cơ quan BHXH kiểm tra lại, do có nhiều trường hợp người bị ốm đau nghỉ làm vẫn được doanh nghiệp trả lương, thì sẽ không được hưởng chế độ này.
Điểm mới nữa là phần lớn các hồ sơ chi trả chế độ BHXH trên địa bàn tỉnh hiện đều được thực hiện qua giao dịch điện tử như: Trả lương hưu, làm hồ sơ cho người mới tham gia bảo hiểm. Điều này đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn, không lo bị thất thoát trong quá trình chi trả do số tiền bảo hiểm được chuyển thẳng sang tài khoản của người hưởng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn vướng mắc ở việc chi trả chế độ ốm đau, thai sản do phía bệnh viện chưa số hóa được giấy ra viện để cơ quan BHXH nhập dữ liệu vào hồ sơ. Nếu các giấy tờ đều được số hóa thì việc thực hiện chi trả chế độ BHXH sẽ trực tuyến hoàn toàn, rút ngắn được rất nhiều thời gian. Việc nắm rõ những thay đổi trong thực hiện chế độ BHXH sẽ giúp NLĐ cũng như đơn vị sử dụng lao động thực hiện các quy định mới một cách nhanh chóng, hiệu quả để không gây thiệt thòi cho NLĐ.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc