Nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy
BHG - Trước thời tiết nắng nóng và tình hình cháy, nổ (CN) diễn ra phức tạp; nhất là tại các hộ gia đình, khu dân cư trong thời gian qua. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các biện nghiệp vụ, nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc chủ động PCCC; nhằm hạn chế thấp nhất các vụ CN xảy ra, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ cuộc sống cho người dân.
Nhân dân thôn Tà Vải, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) giúp gia đình anh Lương Văn Tuấn khắc phục hậu quả cháy nhà xảy ra vào tối 7.6.2018. |
Trong tháng 6 đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy nhà tại thôn Tà Vải xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang), thôn Cốc Lải, xã Kim Thạch và thôn Nặm Tẹ, xã Phương Tiến (Vị Xuyên). Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường phối hợp cùng với người dân dập lửa. Tuy nhiên, các vụ cháy đều không kịp di chuyển đồ đạc ra ngoài và gây thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân. Theo nhận định của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thì các vụ cháy xảy ra gần đây hầu hết là đều do sự cố điện, chập điện gây cháy nhà. Trong đó, tại một số khu dân cư, nhà còn lợp bằng lá cọ cùng nhiều vật liệu dễ cháy trong nhà dẫn đến cháy lây lan nhanh và không kịp dập lửa.
Anh Lê Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) cho biết: Vừa qua, trên địa bàn xã xảy ra vụ cháy nhà của hộ dân ở thôn Tà Vải gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Sự việc xảy ra trong đêm, nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Xã đã huy động lực lượng “4 tại chỗ” cùng người dân để chữa cháy và nhanh chóng giúp gia đình khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, từ tháng 11.2017 - 15.5.2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 44 vụ cháy; trong đó, 33 vụ cháy nhà, 3 vụ cháy rừng và các vụ cháy khác như: Xưởng gỗ bóc, lò sấy, bình ga..., làm 1 người chết, 4 người bị thương; ước thiệt hại về tài sản hơn 4 tỷ đồng và 20 ha rừng phòng hộ. Qua điều tra xác minh, nguyên nhân xảy ra các vụ cháy do chập điện chiếm 22,7%; sơ suất trong sử dụng lửa chiếm 61,4%; còn lại là các nguyên nhân khác. 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra, các vụ CN lớn, nghiêm trọng; nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình CN vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều tiềm ẩn và đa dạng có thể xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực…. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng cần triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời ứng phó với mọi tình huống, hạn chế các vụ CN và các tai nạn, sự cố xảy ra.
Để thực hiện tốt công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã triển khai các biện pháp, thường xuyên chỉ đạo đội nghiệp vụ tăng cường kiểm tra việc thực hiện chế độ an toàn phòng, chống CN tại các cơ sở trên địa bàn; nhằm kịp thời ngăn ngừa nguy cơ phát sinh CN xảy ra, hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do CN gây ra. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn PCCC và tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã xây dựng 23 phương án và thực tập 7 phương án PCCC&CNCH tại các cơ sở trọng điểm có nguy cơ xảy ra CN cao; đồng thời tổ chức huấn luyện định kỳ nâng cao kỹ, chiến thuật chữa cháy, CNCH cho cán bộ, cảnh sát.
Thượng tá Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết: Những năm trở lại đây, tình hình CN diễn ra rất phức tạp, số lượng các vụ CN và mức độ thiệt hại đều tăng theo từng năm. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa và sự cố chập điện trong hệ thống, vật dụng sử dụng điện trong nhà. Trong khi đó, do địa hình phức tạp, nên khi xảy ra cháy, thường gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp chữa cháy. Vì vậy, để hạn chế các vụ CN xảy ra, trước hết người dân cần nâng cao ý thức PCCC và trang bị bình chữa cháy để ứng phó kịp thời khi cháy xảy ra. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức như phát tờ rơi, truyền thanh lưu động...; phân công lực lượng trực 24/24h để tiếp nhận và phản ứng nhanh khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, thực hiện tốt Nghị định 83 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC. Theo đó, Phòng có 1 tổ chuyên làm công tác CNCH, trang bị đầy đủ các phương tiện và thiết bị sẵn sàng tham gia CNCH và phục vụ điều tra các vụ án xảy ra trên địa bàn.
“Nhất thủy, nhì hỏa”, ai cũng biết mức độ nguy hiểm khi hỏa hoạn xảy ra, nếu không chữa cháy kịp thời, nguy cơ tài sản của gia đình, Nhà nước thì sẽ bị thiêu rụi hoàn toàn; thậm chí đe dọa cả tính mạng con người từ những cơn cuồng nộ của “giặc lửa”. Vì vậy, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong PCCC, nâng cao ý thức, trách nhiệm “phòng hơn chữa”, cảnh giác trong mọi tình huống, trước hết là tự bảo vệ mình, người thân, tài sản và bảo vệ an toàn khu dân cư.
Bài, ảnh: VĂN LONG
Ý kiến bạn đọc