Trăn trở làm báo đa phương tiện
BHG - Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Báo chí, như một cơ duyên đặc biệt, tôi đến Hà Giang, một tỉnh miền núi xa xôi, nơi cực Bắc Tổ quốc là điểm khởi đầu cho những đam mê viết lách. Đến giờ, tròn 5 năm công tác và có cơ hội được làm việc tại 2 cơ quan báo chí lớn của tỉnh, nghề báo đã cho tôi “kho” tư liệu quý giá, càng đi càng thấy thấm thía và thêm yêu nghề hơn.
Phóng viên Báo Hà Giang tác nghiệp tại xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình. |
Do đặc thù của một tỉnh vùng cao, biên giới, đòi hỏi các phóng viên Đài PT-TH tỉnh phải biết cách làm báo đa phương tiện “3, thậm chí 4 trong 1”, tức là vừa quay phim, vừa viết, kiêm dựng hình, thể hiện lời bình. Đó là thử thách vô cùng lớn đối với một phóng viên trẻ vừa mới bước chân vào nghề. Năm đầu tiên, vui buồn không kể siết, tôi chỉ nhớ khi tác phẩm đầu tay được phát sóng, tôi òa khóc vì cảm thấy hạnh phúc.
Sau này, khi trưởng thành hơn trong nghề, tôi được Phòng Thời sự Đài PT – TH tỉnh phân công đảm nhận nhiều đề tài tuyến cơ sở, những chuyến đi cùng đồng nghiệp về với đồng bào dân tộc thiểu số, trước tình cảm của người dân, vô vàn điều trăn trở, tôi muốn bằng ngòi bút của mình phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống với khán, thính giả. Tôi hy vọng, bà con kịp thời tiếp cận thông tin, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, noi gương sáng đời thường trong lao động, sản xuất, học tập để vươn lên xây đời sống ấm no, tiến bộ, sớm thoát khỏi nghèo nàn, con em được đến trường.
Trải qua năm tháng, dấu chân không mỏi mệt, mỗi chuyến đi là một kinh nghiệm quý giá với biết bao kỷ niệm khó quên, hun đúc thêm ngọn lửa nghề trong tôi. Ấn tượng nhất là phóng sự “Gieo chữ nơi bản cao” tại điểm trường Lùng Hóa, thuộc Trường Tiểu học Lùng Tám, huyện Quản Bạ vào tháng 3.2014. Phải mất gần một tiếng đồng hồ đi xe trên con đường gập ghềnh đá, nhóm phóng viên chúng tôi mới đặt chân đến điểm trường, nơi có 24 học sinh lớp 1 và lớp 2 đang theo học. Các em chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, gia đình đều thuộc diện nghèo. Khó khăn là vậy, thế nhưng thầy và trò ở đây lại phải đối mặt với tình cảnh không điện, không nước sinh hoạt vào mùa khô. Song với tình yêu nghề, các thầy đã vững tâm bám lớp, bám trường, âm thầm cắm bản “gieo” từng “con chữ” cho học sinh.
Thông qua những lát cắt, chi tiết đắt giá phản ánh chân thực hình ảnh học sinh đi bộ quãng đường dài 30 phút, hớn hở cắp sách đến trường; lớp học đơn sơ, thiếu thốn trăm bề, nhưng các em vẫn say sưa học tập; cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của thầy giáo cắm bản và sâu chuỗi phỏng vấn các nhân vật, phóng sự đã lột tả sâu sắc chuyện “Gieo chữ nơi bản cao”. Tác phẩm trên được công chúng đón nhận, phản hồi tích cực, còn tôi tin rằng, với sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò nơi đây, rồi mai sau thế hệ các em sẽ thắp sáng bản làng vùng cao xa xôi này.
Sau những năm tháng làm việc tại Đài PT – TH tỉnh, đến tháng 9.2017, tôi may mắn được nhận về Báo Hà Giang, làm việc tại Phòng Phóng viên. Quả thật, đối với loại hình Báo in, Báo điện tử khác biệt hơn nhiều so với PT – TH. Làm đến đâu học đến đó, tôi tìm tòi phương pháp viết sao thật chi tiết, cụ thể sự việc hay vấn đề nào đó để độc giả hiểu và dễ tiếp cận thông tin; cố gắng, sáng tạo những bức ảnh báo chí sinh động, chân thực nhất, gắn với nội dung bài viết.
Khác với môi trường Đài PT – TH tỉnh, phòng chúng tôi phân công phóng viên phụ trách địa bàn các huyện, thành phố; đảm nhiệm các chuyên đề. Đây vừa là cơ hội, trách nhiệm để tôi nỗ lực hoàn thành công việc. Đi sâu vào tìm hiểu đời sống, tình hình phát triển KT-XH địa bàn phụ trách, tôi phần nào hiểu rõ những thế mạnh cơ bản của các xã, thị trấn. Chuyến công tác gần đây, tôi thực hiện loạt bài về phong trào xây dựng Nông thôn mới ở huyện Quang Bình. Đến mỗi cơ sở, nghe lãnh đạo địa phương nói về những cách làm hay, sáng tạo khi xây dựng Nông thôn mới; xuống thôn, bản gặp gỡ người dân, tôi thấy bà con hăng say lao động sản xuất, có rất nhiều mô hình kinh tế nở rộ. Tôi chợt nghĩ, ngoài bài viết, nếu có thể quay những hình ảnh giá trị về nhịp sống nông thôn sẽ nâng cao chất lượng tác phẩm, thu hút độc giả hơn.
Tôi trăn trở, bản thân là người làm báo hiện đại cần đa năng, hội tụ thêm những kỹ năng đa phương tiện như chụp ảnh, quay video, âm thanh,… với những cách thức thể hiện khác nhau, làm sống động tác phẩm, phát huy sức mạnh tổng hợp của báo chí trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc