Phòng tránh say nắng, say nóng mùa Hè
BHG - Tiết trời nóng bức, nhiệt độ và độ ẩm quá cao, đây sẽ là điều kiện để xảy ra tình trạng say nắng, say nóng; đặc biệt, đối với những người phải làm việc ở ngoài trời, chỗ nóng hoặc chịu sự tác trực tiếp của ánh nắng mặt trời quá lâu mà điều kiện bảo hộ lao động lại thiếu hoặc không thích hợp. Do vậy, biết được biểu hiện và cách xử trí khi bị say nắng, say nóng sẽ giúp mọi người tránh được những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Nguyên nhân
Cơ thể con người có khoảng vài triệu tuyến mồ hôi nằm dưới da, mở lỗ tiết qua da để tiết mồ hôi có chức năng làm ẩm da, giữ cho da mềm mại và điều hòa thân nhiệt. Nước chiếm 60 - 70% trọng lượng cơ thể, nếu mất khoảng 10% lượng nước sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi nhiệt độ bên ngoài lên đến 32 độ C - 36 độ C, gần bằng nhiệt độ cơ thể 37 độ C, thì vấn đề tỏa nhiệt của cơ thể bắt đầu khó khăn. Nếu ta lại hoạt động dưới ánh nắng, làm cơ thể hấp thu thêm nhiệt độ từ tia nắng sẽ làm thân nhiệt càng tăng cao, sẽ dẫn đến tình trạng say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt.
Say nắng: Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu trực tiếp vào đầu, gáy, dưới tác động của ánh sáng mặt trời trung tâm điều hòa thân nhiệt có thể bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Say nóng: Là tình trạng mất nước toàn cơ thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt do cơ thể không thích ứng với thời tiết xung quanh khi nhiệt độ ngoài trời quá cao. Cùng với việc phơi mình dưới ánh nắng mặt trời hoặc làm việc dưới môi trường nóng bức như hầm lò, phòng kín kém thông khí hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (như chơi thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài…) sẽ dẫn tới hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và hấp thu quá lớn so với lượng nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh.
Biểu hiện
Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu như vã mồ hôi, đau đầu, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.
Ở trẻ em có thể xuất hiện tình trạng mất nước dẫn đến hôn mê, co giật, dễ gây tử vong.
Cách xử trí
Khi gặp phải người bị cảm nắng, ta cần nhanh chóng sơ cứu tại chỗ cho nạn nhân bằng một số thao tác:
- Đưa nạn nhân vào chỗ mát, tránh ánh nắng.
- Cởi bớt quần áo nạn nhân hoặc nới lỏng cúc ở cổ áo, cổ tay.
- Cho nạn nhân uống một ít nước lạnh pha muối.
- Dùng khăn nhúng vào nước lạnh chườm vào trán và nách giúp hạ nhiệt cho cơ thể. Lưu ý khăn luôn phải lạnh và liên tục thay khăn chườm cho nạn nhân.
- Trong trường hợp bị nặng, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Để tránh bị say nắng, say nóng khi đi ra đường hoặc trong lúc làm việc ngoài trời, ta phải đội mũ nón, bịt khẩu trang, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu, gáy, nên uống đầy đủ lượng nước cần thiết cho mỗi ngày. Ngoài ra, cần bổ sung Vitamin C cho cơ thể qua ăn uống để hạn chế nguy cơ bị say nắng, say nóng và chỉ nên tập thể thao khi trời đã râm mát.
Thùy Dung (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)
Ý kiến bạn đọc