Bén duyên nghề "phu chữ"

16:34, 20/06/2018

BHG - Góp phần tạo nên danh tiếng, chất lượng một tờ báo trước hết phải kể đến đội ngũ phóng viên (PV) có kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, không ít PV, biên tập viên (BTV) không học ngành báo chí lại bén duyên với nghề “phu chữ”. Làm việc, gắn bó lâu dài với nghề, hành trang của họ chính là niềm đam mê, sự nỗ lực hoàn thiện bản thân, cống hiến hết mình.

Phóng viên Duy Tuấn (bên trái) tác nghiệp tại xã Ngọc Long (Yên Minh).
Phóng viên Duy Tuấn (bên trái) tác nghiệp tại xã Ngọc Long (Yên Minh).

Nghề “phu chữ”, cụm từ lần đầu tôi được tiếp xúc là trên giảng đường đại học, nói lên những gian nan, vất vả của người làm nghề viết văn, viết báo. Được đào tạo chính quy về chuyên ngành viết báo, ra trường, công tác tại Báo Hà Giang được gần 3 năm, những va chạm từ thực tế khiến tôi có điều kiện trải nghiệm, trưởng thành hơn. Trong quá trình công tác, tôi có cơ hội làm việc, tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp thật sự yêu nghề, đam mê đáng để học tập.

Đối với những độc giả yêu mến, thường xuyên theo dõi Báo Hà Giang thì Duy Tuấn là bút danh không hề xa lạ. Là một cây bút trẻ, có nhiều khát vọng, tuy nhiên ít ai biết vốn dĩ anh không được đào tạo bài bản về báo chí. Tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, thay vì theo nghiệp diễn xuất, anh trở về cống hiến cho quê hương. PV Duy Tuấn chia sẻ: Nghề báo đối với tôi thật sự là một cái duyên. Bởi, trước khi về Báo Hà Giang, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một nhà báo. Không được học chuyên về nghiệp vụ báo chí, do đó, khi mới bắt đầu viết báo, việc sử dụng ngôn ngữ, nghiệp vụ tác nghiệp tôi gặp nhiều khó khăn. Bước vào nghề báo là vô số những chữ “không”: Không kỹ năng cơ bản, không nghiệp vụ phát hiện đề tài, tìm hiểu, phân tích, xử lý vấn đề, ảnh báo chí… câu chuyện báo chí với tôi bắt đầu từ những trang giấy trắng.

Khắc phục những khó khăn, nhiều người “ngoại đạo” khi bắt đầu làm PV tại Báo Hà Giang đã không ngừng tự học hỏi trên sách báo, tài liệu và đặc biệt ở những người đi trước. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm qua từng bài viết, thế hệ các PV này đã từng bước hoàn thiện, trang bị các kỹ năng về làm báo. Ban Biên tập Báo Hà Giang đều có những đánh giá tích cực về đội ngũ PV, BTV tuy không được đào tạo bài bản về báo chí nhưng đang từng bước trưởng thành, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc; trở thành những cây bút chủ lực, dám dấn thân phản ánh nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm tại địa phương.

PV Duy Tuấn chia sẻ thêm, đối với nghề báo, nếu không yêu, đam mê, xác định gắn bó sẽ rất khó để giữ được “cái duyên” đối với những người không học nghề báo. Nghề báo luôn luôn chuyển động nên những nhà báo, PV cũng luôn phải vận động không ngừng, cần mẫn như những con ong. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của mình qua mỗi tác phẩm báo chí, viết cho ai, viết để làm gì và tác động xã hội của nó ra sao? Gắn bó với cơ sở, với lương tâm và trách nhiệm, anh luôn trăn trở để mỗi bài viết đều có thể mang những tác động tích cực đối với xã hội. Đặc biệt, ở những địa bàn vùng sâu, xa khó khăn sẽ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm.

Còn đối với PV trẻ Trọng Toan, từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học anh đã nghĩ ngành học của mình sau này sẽ liên quan nhiều đến công việc viết báo. Anh chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Viết văn, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, những kiến thức thu được từ giảng đường sẽ giúp tôi dễ dàng nhập cuộc với nghề báo. Tuy nhiên, bắt tay vào thực tế mới thấy mình còn quá nhiều điều phải học. Ban đầu là từ bỏ những thói quen về tư duy và ngôn ngữ văn chương mang nhiều tính bay bổng để làm quen với lối viết chính xác, nhanh và gọn của báo chí. Những chuyến tác nghiệp cơ sở còn bỡ ngỡ, gặp nhiều tình huống va vấp giúp tôi nhận ra mình cần phải rèn luyện nhiều hơn, nâng cao các kỹ năng để có thể tự tin hơn trong công việc rất khó khăn nhưng rất đỗi tự hào.

Làm nghề báo, nhiều PV, BTV không chỉ hoàn thành nhiệm vụ là những “sứ giả” của sự thật; quá trình tác nghiệp, tiếp xúc với những dữ liệu sinh động, chân thực, đậm hơi thở của đời sống đương đại sẽ là điều kiện để họ cho ra đời những tác phẩm báo chí và cả văn chương. Đối với PV Trọng Toan cũng vậy, anh lựa chọn viết báo là công việc hàng ngày song hành với việc nuôi dưỡng, ấp ủ các tác phẩm văn chương.

Mặc dù không được đào tạo chuyên nghiệp về báo chí, nhiều PV, BTV Báo Hà Giang đã và đang không ngừng trưởng thành, cùng với thế hệ những người làm báo nỗ lực phấn đấu, góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng tờ báo.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chọn nghề phải dám… dấn thân

BHG - Làm nghề báo, thông tin bao giờ cũng quan trọng nhất. Để có thông tin kịp thời, chính xác, đòi hỏi người làm báo phải dám… dấn thân; luôn dũng cảm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, chấp nhận hy sinh và sự hiểm nguy. Để có phóng sự điều tra về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi phải có mặt tại Chợ trung tâm thành phố Hà Giang từ 3 giờ sáng, đóng vai người mua hàng nhằm thâm nhập thực tế, ghi lại hành trình của những chuyến hàng không rõ nguồn gốc từ miền xuôi lên...

20/06/2018
Không ngừng học hỏi để trưởng thành

BHG - Để chuyển tải từ nguồn thông tin, hay những sự kiện diễn ra thành tác phẩm báo chí mang đầy hơi thở cuộc sống đến với bạn đọc; ngoài sự đam mê nghề nghiệp, còn là những trải nghiệm thực tế, sự nhanh nhạy và cả nỗ lực học hỏi cũng như trình độ của mỗi phóng viên. Người làm báo nơi vùng cao đầy nắng và gió, địa bàn rộng, giao thông cách trở, nhưng hằng ngày, mỗi phóng viên vẫn đi và viết.

 

20/06/2018
Trải lòng người làm báo ở vùng cao

BHG - Còn nhớ, khi mới vào công tác tại Báo Hà Giang, chuyến đi cơ sở đầu tiên lên vùng Cao nguyên đá, tôi đã òa khóc khi chứng kiến những cung đường núi ngoằn ngoèo, những khúc cua tay áo liên tục; mệt lử và nhìn thấy những em bé vùng cao mặt mũi lấm lem, mặc mỗi manh áo cộc, lũn cũn theo mẹ lên nương. Càng trăn trở hơn, khi vào bản ăn bữa cơm với đồng bào chỉ có mèn mén và canh rau cải nương. Khi đó, tôi đã nghĩ, mình sẽ không theo nổi nghề báo hoặc có chăng là sẽ làm báo ở một nơi khác;  nơi có cuộc sống sung túc hơn và mọi thứ cũng dễ dàng hơn…

 

20/06/2018
Phóng viên bám bản

BHG - Giáo viên bám bản một cụm từ chúng ta dành để tặng, để ca ngợi những thầy, cô giáo đang ngày, đêm "gieo chữ" tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... Còn với chúng tôi, mỗi phóng viên (PV) tác nghiệp vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc luôn đóng vai trò là một Phóng viên bám bản trên mặt trận tuyên truyền. Cũng như những đồng nghiệp khác, nhiệm vụ của người PV dường như cũng tuân theo một quy luật đã được định sẵn "ngày cày, đêm cày" để dòng chảy thông tin được cập nhật kịp thời, đáp ứng nhu cầu bạn đọc...

20/06/2018