Tăng huyết áp - nguy cơ hàng đầu gây biến cố và tử vong
BHG - Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch trên thế giới. Ở nước ta, hiện có khảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc, trong đó có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Vì vậy, ngày 17.5 hàng năm được Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới chọn làm “Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp” nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
Kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi tại Trạm Y tế xã Nậm Ban (Mèo Vạc). |
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa cảnh báo cao huyết áp là một trong 10 bệnh nguy hiểm nhất hiện nay có thể làm giảm 10-20 năm tuổi thọ. Trong khi đó, việc kiểm soát chỉ số huyết áp ở người bệnh còn thấp do không kiểm soát tốt chế độ ăn, như thói quen ăn mặn, ăn nhiều cholesterol (thường ăn phủ tạng động vật, ăn nhiều dầu mỡ), uống rượu, bia...
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch. Một người được gọi là bị tăng huyết áp khi có huyết áp tâm thu bằng hoặc lớn hơn 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương bằng hoặc lớn hơn 90 mmHg. Tăng huyết áp có diễn biến thầm lặng, ít có những biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà do tăng huyết áp gây ra thì lại rất nặng nề. Nhiều người khi đi khám phát hiện tăng huyết áp nhưng trước đó không hề nhận thấy dấu hiệu nào. Một số có triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt... Cũng có thể tùy người bệnh mà các triệu chứng này dữ dội hơn, có thể đau vùng tim, giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, nôn, hồi hộp, hốt hoảng. Những nhận biết này có thể giúp người bệnh phát hiện sớm bệnh cũng như đánh giá đúng mức độ, tình trạng bệnh của mình để khám và điều trị kịp thời. Tăng huyết áp hay huyết áp cao làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim về lâu dài huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến thị lực. Bệnh này còn dẫn đến nhiều căn bệnh mạn tính như suy thận hay nguy hiểm như đột quỵ... Vì thế, cách duy nhất, đơn giản và dễ thực hiện để biết có bị tăng huyết áp hay không là đo huyết áp. Mỗi người cần nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình.
Một số lưu ý đối với người bị tăng huyết áp:
- Kiên trì uống thuốc để duy trì huyết áp ổn định.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế ăn chất béo. Có khoảng 50% người bệnh tăng huyết áp có kèm bệnh mỡ máu cao, vì vậy người bệnh tăng huyết áp nên tránh ăn thịt mỡ, phủ tạng động vật, hạn chế ăn thịt động vật và chỉ nên ăn các loại thịt với mức độ vừa phải. Thay vào đó, người tăng huyết áp nên tăng cường ăn cá và các chế phẩm từ đậu tương như nước đậu nành, đậu phụ…
- Người mắc bệnh cao huyết áp cần duy trì tâm trạng lạc quan vui vẻ, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh bị lạnh đột ngột và tránh dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc hay những gia vị cay nóng như ớt, tiêu, gừng...
- Tập thể dục, thể thao đều đặn, tốt nhất là mỗi ngày tập 20 – 30 phút, không nên tập kéo dài hơn về thời gian và nặng về cường độ. Một số môn thể dục tốt cho người tăng huyết áp là đi bộ, chạy chậm, bơi lội, bóng bàn, khí công dưỡng sinh... Người bị tăng huyết áp không nên tập các môn thể thao có cường độ nặng vừa tốn sức vừa tăng gánh nặng cho tim mạch như: Cử tạ, leo núi, bóng đá, quyền anh, tennis…
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp tích cực thay đổi lối sống như trên, người bị tăng huyết áp cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Bài, ảnh: Ngọc Ánh (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc