Những kỷ niệm với Báo Hà Giang
BHG - Tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp, đơn giản chỉ là một người rất yêu thích báo chí. Có lẽ vì thế mà trong suốt quá trình công tác ở huyện Mèo Vạc, tôi luôn may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc với những phóng viên của Báo Hà Giang.
Ngày ấy, năm 2001, tôi rời quê Hà Nội, lên công tác, giảng dạy tại Trường PTCS Lũng Chinh. Một ngôi trường nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Mèo Vạc 20 km; trong đó, có 4 km từ ngã ba Lũng Phìn vào trường học là đường cấp phối. Hơn nữa, lượng ô-tô, xe máy những năm đó còn rất ít, mỗi lần đi chợ phiên Lũng Phìn (Đồng Văn) mọi người đều phải đi bộ. Nhưng đó chưa phải hết khó khăn, bởi xã Lũng Chinh khi đó chưa có điện lưới, điện thoại và mỗi năm có đến 6 tháng thiếu nước sinh hoạt. Bước vào mùa Đông, cán bộ, giáo viên và nhân dân đều phải đi cả chục km địu từng can nước từ những hố đá chứa nước mưa được tích trữ từ mùa Hè mang về sinh hoạt. Bên cạnh thiếu nước sinh hoạt, việc được thưởng thức văn hóa, văn nghệ (VHVN) ở đây cũng được coi là xa xỉ vì chưa có điện nên không được xem ti vi, chủ yếu nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và đọc Báo Hà Giang.
Ở thời điểm đó, rất vinh dự cho Lũng Chinh được Báo Hà Giang phụ trách giúp đỡ xã khó khăn; nên cán bộ, phóng viên thường xuyên xuống cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động VHVN và hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất, xóa bỏ các hủ tục; tuyên truyền vận động các bậc phụ huynh cho con em tới trường. Mặc dù, tôi không có mặt vào ngày đầu Báo Hà Giang phụ trách xã, nhưng được nghe mọi người kể lại, lúc đó những năm 1998 vui lắm; phong trào VHVN của nhà trường rất sôi nổi. Đến năm 2001, Báo Hà Giang vẫn phụ trách xã nhưng chỉ có anh Sùng Mí Chứ, Phó Tổng biên tập cắm chốt, còn anh em phóng viên thỉnh thoảng mới đến. Mỗi lần gặp các anh, chị phóng viên lên công tác, đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm; được tâm sự với anh Phan Hùng, Lò An Dương đến tác nghiệp ở cơ sở, mới thấy hết những khó khăn của nghề làm báo. Có lẽ để có được những bài viết hay, các anh đã phải thường xuyên đi bộ hàng chục cây số, xuống tận thôn, bản tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của nhân dân để kịp thời phản ánh phục vụ bạn đọc. Chính vì vậy, mỗi tuần được đọc một tờ báo, tôi rất trân trọng những tác phẩm đó. Cũng nhờ được tiếp xúc nhiều với các anh, chị của Báo Hà Giang mà tôi đã tập làm quen với cách viết báo. Đó là vào năm 2002, Trường PTCS Lũng Chinh tổ chức giao lưu bóng chuyền với các trường PTCS Lũng Phìn, Sủng Trái, Hố Quáng Phìn của huyện Đồng Văn; tôi đã đưa tin và được đăng trên Báo Hà Giang. Sau đó, được nhà báo Trần Bé, Phương Hoa, động viên, khích lệ “truyền cảm hứng” cho tôi đến với báo chí, dần dần số lượng tin, bài của tôi được đăng trên báo cũng tăng lên. Tuy bài viết còn chưa hay, nhưng lối hành văn giản dị, phản ánh chân thực sự kiện diễn ra hàng ngày ở địa phương, nên đã được bạn đọc đón nhận và ủng hộ; giúp tôi gắn bó với Báo Hà Giang nhiều hơn. Đến năm 2012, tình cờ được đọc bài “Ân tình những ngày ở Lũng Chinh” của tác giả An Dương, càng khắc sâu hơn về tình cảm năm xưa của những người làm Báo Hà Giang đã khiến tôi viết ngay bài “Báo Hà Giang, cảm nghĩ của một bạn đọc”, như thay lời cảm ơn của cán bộ, giáo viên và nhân dân xã Lũng Chinh đối với những cán bộ, phóng viên đã cống hiến cho mảnh đất còn nhiều gian khó này.
Giờ đây, báo Hà Giang đã chuyển qua phụ trách các xã khác của huyện Mèo Vạc; nhưng chặng đường gần 20 năm trước công tác ở xã Lũng Chinh, đã để lại trong tôi và các nhà Báo Hà Giang những kỷ niệm đẹp nhất, sâu đậm nhất về một thời tuổi trẻ gắn bó, cống hiến hết mình vì vùng cao thân yêu,…!
QUỲNH LƯU
Ý kiến bạn đọc