Văn hóa tặng hoa
BHG - Những dịp lễ Tết, ngày kỷ niệm người ta thường biểu diễn giao lưu văn nghệ, như Ngày 3.2 thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 8.3 Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày 26.3 thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 1.5 Quốc tế Lao động, Rằm Trung thu, 5.9 toàn dân đưa trẻ đến trường, 20.11 Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc…
Trong các buổi biểu diễn, tiết mục nào xuất sắc thường được khán giả ngưỡng mộ và được tặng hoa, thậm chí rất nhiều hoa. Việc tặng hoa là nét đẹp văn hóa, nhưng tặng như thế nào? ai tặng? tặng vào lúc nào… cần phải bàn. Vì không ít trường hợp lên tặng hoa xem ra rất phản cảm, như: Phụ huynh cho trẻ em lên tặng hoa chỉ đưa một tay, sau đó chạy nhanh về chỗ ngồi chân vướng cả vào dây đèn, dây loa có điện rất nguy hiểm; có phụ huynh bế con lên tặng hoa trong khi trang phục luộm thuộm, con đánh rơi dép trên sân khấu phải cúi nhặt mãi mới được; có trường hợp lên tặng hoa trong khi người biểu diễn đang múa hay đang thổi sáo, không thể nhận hoa được, nên người tặng phải… đứng chờ(!). Có trường hợp nhiều người lên tặng hoa cho một người, nhiều hoa quá ôm không xuể, làm rơi lả tả…
Vậy, nên tặng hoa như thế nào thể hiện có văn hóa, trong khi chưa có quy định nào cụ thể. Nhưng nghe lời bàn của đông đảo khán giả đứng xem, đáng được suy ngẫm: Không tặng hoa trong lúc diễn viên đang múa hay đang thổi sáo; không nên nhiều người tặng hoa cho một người cùng lúc; không nên tặng hoa giả… mà tặng từng bông hoa tươi, không tặng bó hoa to làm người biểu diễn không cầm được; người tặng hoa phải có trang phục gọn gàng, không đi lại vội vàng và phải đưa hoa bằng hai tay; trường hợp tặng hoa cho cả tập thể biểu diễn, nên tặng vào lúc kết thúc tiết mục, nên mời đại biểu dự lên tặng cho người đứng giữa và có thể chụp ảnh chung…
Đinh Minh Tung
Ý kiến bạn đọc