Trường Mầm non xã Trung Thịnh, 11 năm vẫn... tạm bợ
BHG - Được thành lập từ năm 2007, đến nay đã 11 năm nhưng Trường Mầm non xã Trung Thịnh (Xín Mần) vẫn chưa có điểm trường chính. Điều này khiến công tác quản lý, chăm sóc trẻ gặp rất nhiều khó khăn.
Khu tập thể giáo viên, kiêm nơi làm việc của Ban Giám hiệu và điểm trường chính của Trường Mầm non Trung Thịnh |
Đầu tháng 3, chúng tôi tới xã Trung Thịnh, một trong những địa phương có điều kiện khó khăn nhất của huyện Xín Mần. Theo hướng dẫn của người dân, tôi đến Trường Mầm non của xã; ngôi trường nằm lẩn khuất phía ta – luy âm, dưới những ngôi nhà nằm dọc tuyến đường chính ở khu trung tâm xã. Đứng trước cổng, nhưng lại có cảm giác không phải một trường học, bởi toàn bộ khuôn viên gồm dãy nhà cấp 4 với 6 phòng nhỏ, hẹp; các loại dây leo chằng chịt chiếm trọn trước hiên nhà; sân chơi chỉ có một vài đồ chơi hình con vật bằng nhựa… Điều lạ là không có giáo viên và học sinh nào. Cô Lê Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường đón chúng tôi và giải thích: Đây đúng Trường Mầm non Trung Thịnh, nhưng thực tế là tập thể giáo viên và phòng làm việc của Ban Giám hiệu, bởi chúng tôi chưa có trường chính.
Năm học 2017 - 2018, Trường Mầm non xã Trung Thịnh có 187 học sinh, trong đó, trẻ từ 0 – 2 tuổi có 29 cháu, từ 3 - 5 tuổi 158 cháu. Trường hiện có 5 điểm trường, với 10 phòng học, nhưng chỉ có 1 phòng kiên cố, 6 phòng bán kiên cố và 3 phòng tạm. Hiệu trưởng Lê Thị Huệ cho biết: Cơ sở vật chất thiếu thốn, không có trường chính nên thiếu phòng Hiệu bộ, cũng không có phòng chức năng, rất khó khăn trong công tác quản lý của Ban Giám hiệu. Các điểm trường lẻ cũng không hơn gì, lớp học, sân chơi cho học sinh hoạt động ngoại khóa không đủ diện tích, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. May mà mấy năm gần đây, ngân sách Nhà nước cùng một số đoàn từ thiện đã hỗ trợ xây được mấy phòng học kiên cố, bán kiên cố ở các điểm khó khăn nên đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, một điểm trường vẫn phải học nhờ điểm Tiểu học và 2 điểm học trong nhà tạm.
Xã Trung Thịnh có 6 thôn, nhưng chỉ có 5 điểm trường Mầm non nên điểm trường Pố Hà 1 phải dồn học sinh của 2 thôn. Vì phải đưa con em đến điểm trường cách nhà 2 km, người dân Cốc Pú - thôn trung tâm xã bày tỏ: Cả thôn có khoảng 60 cháu học mẫu giáo, ngày nào phụ huynh cũng 2 lượt đưa đi, điều kiện giao thông chưa thuận lợi nên rất vất vả. Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị xây trường chính, điểm trường nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Chủ tịch UBND xã Trung Thịnh, Trần Văn Hòa chia sẻ: Những năm qua, các cấp, các ngành đã dự tính xây dựng Trường Mầm non của xã nhưng do địa hình có độ đốc lớn, thiếu mặt bằng, nếu đầu tư xây dựng cần số tiền lớn, riêng kinh phí san ủi mặt bằng, đền bù cho dân cũng 5 – 6 trăm triệu đồng.
Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Xín Mần, Tô Quang Trọng cho biết: Cơ sở vật chất của Trường Mầm non xã Trung Thịnh rất thiếu. Nguyên nhân chính do địa hình quá dốc, không có mặt bằng xây dựng. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục những năm qua không nhiều, phần lớn bố trí cho các trường thuộc xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn Nông thôn mới. Hiện tại, chúng tôi đang nỗ lực vận động các nguồn xã hội hóa để khắc phục những khó khăn cho các trường.
Dù cơ sở vật chất còn khó khăn, nhưng các thầy, cô giáo của trường vẫn nỗ lực đảm bảo công tác chăm sóc trẻ, nhất là việc duy trì nấu ăn trưa cho học sinh ở một số điểm và vận động phụ huynh nấu cơm cho các cháu mang đến lớp. Tuy nhiên, việc thiếu điểm trường, thiếu nhà lớp học, đồ dùng, đồ chơi cho các em khiến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ở Trường Mầm non Trung Thịnh gặp nhiều khó khăn. Mong rằng cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục huyện Xín Mần sớm đầu tư, xây dựng trường chính và nâng cấp cơ sở vật chất các điểm trường Mầm non của xã Trung Thịnh.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc