Nhiệm vụ quan trọng thực hiện chiến lược giảm nghèo nhanh và bền vững
BHG - Công tác hướng nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chiến lược giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo lãnh đạo Sở Lao động - TBXH tỉnh, hiện nay, ngành nghề được đào tạo thông qua các cơ sở giáo dục công lập là 103 ngành, nghề. Trong đó, tập trung chủ yếu vào ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Để không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác dự báo về nhu cầu sử dụng LĐ trên địa bàn; từ đó, định hướng việc làm cho người dân. Hàng năm, các huyện, thành phố chủ động và có kế hoạch điều tra, khảo sát lực lượng LĐ được đào tạo nghề hoặc chưa qua đào tạo nghề; nhất là đối với các xã điểm xây dựng Nông thôn mới của tỉnh để phân loại, đánh giá nhu cầu học nghề và mở lớp đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh thường xuyên tham vấn, tư vấn nghề nghiệp cho người LĐ, nhất là đối tượng đoàn viên, thanh niên khu vực nông thôn; thông qua hình thức phát hành tài liệu hỏi đáp, hội nghị tuyên truyền trực tiếp, tờ rơi, qua hội chợ, trang Web…
Các học viên Trường Cao đẳng nghề tỉnh thực hành sửa chữa ô-tô. |
Một nỗ lực khác trong nâng cao chất lượng dạy nghề là thiết thực, hiệu quả; tỉnh đã thực hiện việc rà soát mạng lưới cơ sở GDNN, tiến hành sáp nhập các Trung tâm Dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) các huyện; thành Trung tâm GDNN – GDTX. Việc sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Hà Giang vào Trường Cao đẳng Nghề và đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật và công nghệ Hà Giang. Nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Quang thành Trường Trung cấp nghề và thành lập thêm Khoa Nội trú của Trường Cao đẳng Nghề; qua đó, tạo sự thống nhất, đa dạng hóa các ngành, nghề đào tạo. Cùng đó, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để các cơ sở, Trung tâm Dạy nghề ngoài công lập được hoạt động với nhiều ngành, nghề khác nhau, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân; cùng với đó là việc vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh cho học sinh, sinh viên học nghề. Trong năm 2017, toàn tỉnh tuyển mới và đào tạo cho 13.654 người, đạt 105% kế hoạch. Trong đó, hệ cao đẳng, trung cấp là 1.045 người; sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 12.609 người. Cơ cấu ngành nghề nông nghiệp chiếm 55,8%, phi nông nghiệp chiếm 44,2%; tỷ lệ LĐ qua đào tạo, tự tạo việc làm và tìm được việc làm mới chiếm trên 80%.
Có thể nói, những kết quả trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng dạy nghề cho LĐ khu vực nông thôn trong năm qua trên địa bàn tỉnh là động lực, yếu tố quan trọng để nhiều đoàn viên, thanh niên, người LĐ trong tỉnh tự tạo, tìm được việc làm mới; góp phần không nhỏ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn trên 30%.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc