Ghi nhận công tác xuất khẩu lao động ở huyện Mèo Vạc

17:25, 28/02/2018

BHG - Xác định việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) đi làm ở các công ty, doanh nghiệp ở ngoài tỉnh và đi làm việc theo “Biên bản thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới” là “chìa khóa” để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống. Vì vậy, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đi XKLĐ ở các công ty, doanh nghiệp ở ngoài tỉnh và nước bạn và đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Cán bộ các ban, ngành huyện Mèo Vạc thăm hỏi gia đình chị Lầu Thị Mỷ sau thời gian XKLĐ. 				Ảnh: SƠN HẢI
Cán bộ các ban, ngành huyện Mèo Vạc thăm hỏi gia đình chị Lầu Thị Mỷ sau thời gian XKLĐ. Ảnh: SƠN HẢI

Thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29.4.2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020”; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 6.10.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh XKLĐ và đưa lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh và chủ trương của UBND tỉnh về “Biên bản thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới”, tính đến hết năm 2017, huyện Mèo Vạc đã XKLĐ đi làm việc ở ngoài tỉnh và làm việc ở huyện Phú Ninh (Trung Quốc) là 475 lao động, trong đó: Làm việc tại Công ty thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam là 13 lao động; tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh là 144 lao động và làm việc có thời hạn tại huyện Phú Ninh (Trung Quốc) là 318 người.

Để đạt được những kết quả trên, cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc đã tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu việc làm, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật và XKLĐ đến mọi tầng lớp nhân dân; tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực thông tin, tuyên truyền, giới thiệu việc làm đi XKLĐ cho cán bộ làm công tác tuyên truyên ở cơ sở; tăng cường kiểm tra đường biên, mốc giới để tránh tình trạng công dân vượt biên lao động trái phép; hỗ trợ chính sách cho người lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số về chi phí đi lại, khám sức khỏe… khi người lao động tham gia làm việc. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền các buổi họp thôn, xóm; băng zôn, áp phích, loa, đài; tư vấn trực tiếp với người lao động… Trong năm 2017, các ban, ngành huyện Mèo Vạc đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức được 108 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp cho người lao động, chủ yếu tập trung vào lực lượng lao động là đoàn viên, thanh niên của 18 xã, thị trấn với 6.400 lượt người tham gia.

Chị Lầu Thị Mỷ, trú tại thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng chia sẻ: Tháng 3 – 7.2017, hai vợ chồng tôi đi XKLĐ bên huyện Phú Ninh (Trung Quốc) theo “thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới” của UBND tỉnh, trừ hết chi phí, hai vợ chồng tôi mang về được hơn 70 triệu đồng. Sau khi về nghỉ một thời gian, từ tháng 10 – 12.2017, hai vợ chồng tôi lại đi đợt 2 và mang về được hơn 30 triệu đồng. Tổng cả 2 đợt sau khi trừ hết các chi phí được hơn 100 triệu đồng. Công việc của hai vợ chồng chủ yếu là trồng cây, thời gian làm việc là 8 giờ/1 ngày. Tuy vất vả song thu nhập cao hơn nhiều so với lao động ở nhà, tôi định dành số tiền này để trả nợ và để vốn làm ăn cho con trai; sau Tết Nguyên đán, hai vợ chồng tôi lại đi tiếp.

Việc XKLĐ, giải quyết việc làm là vấn đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Đồng thời, tạo niềm tin trong nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo tìm hiểu, việc lao động đi XKLĐ cơ bản đều có cuộc sống ổn định, thu nhập khá với mức lương cơ bản từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng đối với lao động đi làm tại Công ty thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam; thu nhập từ 5,5 đến 7,5 triệu đồng/tháng, đối với lao động ở các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh và thu nhập từ 2.800 đến 3.000 nhân dân tệ/tháng (8 đến 9 triệu đồng/tháng) đối với lao động đi làm bên huyện Phú Ninh (Trung Quốc) theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới”.

Việc tuyển dụng và XKLĐ làm việc ở các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh và theo “Biên bản thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới” đã giúp huyện Mèo Vạc giải quyết được vấn đề việc làm và tạo thêm thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động, đưa lao động đi làm có tổ chức đã giúp cho người lao động có tư tưởng thoải mái, tâm lý yên tâm hơn khi có sự bảo lãnh của các cơ quan chức năng, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 Hoàng Tuyến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới

BHG - Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới về lựa chọn các xã điểm xây dựng Nông thôn mới (NTM) từng giai đoạn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động chỉ đạo các cơ sở dạy nghề, ưu tiên mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động ở các xã thuộc Đề án xây dựng NTM.

28/02/2018
Nhiệm vụ quan trọng thực hiện chiến lược giảm nghèo nhanh và bền vững

BHG - Công tác hướng nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chiến lược giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo lãnh đạo Sở Lao động - TBXH tỉnh, hiện nay, ngành nghề được đào tạo thông qua các cơ sở giáo dục công lập là 103 ngành, nghề. Trong đó, tập trung chủ yếu vào ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Để không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác dự báo về nhu cầu sử dụng LĐ trên địa bàn; từ đó, định hướng việc làm cho người dân. 

28/02/2018
An toàn cho những tuyến đường trên Cao nguyên đá

BHG - Một trong những điểm nhấn khiến nhiều du khách mê đắm Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn chính là những cung đường đẹp nơi đây. Đặc biệt, đối với những bạn trẻ thích đi du lịch bằng xe mô-tô. Những cung đường trên Cao nguyên đá uốn lượn, quanh co đầy cảm giác tạo một sức hút kỳ lạ. Để những tuyến đường đẹp ấy trở nên an toàn hơn, thu hút ngày càng đông đảo du khách,… những năm qua, các ngành, các cấp đã không ngừng quan tâm, đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng và lắp đặt thêm nhiều biển báo, gương cầu,… đảm bảo an toàn giao thông.

27/02/2018
Luôn hướng tới sự hài lòng của người bệnh

BHG - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Đồng Văn hiện có 114 cán bộ y, bác sỹ, người lao động. Hoạt động trên địa bàn đặc biệt khó khăn, bệnh nhân đến khám, điều trị chủ yếu là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với tinh thần trách nhiệm, vì sức khỏe nhân dân, các y, bác sỹ BVĐK Đồng Văn nỗ lực vượt qua khó khăn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

 

27/02/2018