Vì sao nghèo đa chiều ở Bắc Mê tăng cao?
BHG - Những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo, nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo được huyện Bắc Mê thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, theo tiêu chí nghèo đa chiều, chuẩn nghèo sẽ được xem xét cả góc độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Đây là cơ hội giúp cho việc đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách toàn diện hơn, nhưng cũng nảy sinh nhiều thách thức mới khi số hộ nghèo của huyện tăng đột biến. Điều đó, đã đặt ra không ít khó khăn trong thực hiện bền vững các chính sách giảm nghèo tại địa phương.
Nhìn từ thực tế… tỷ lệ hộ nghèo tăng cao:
Việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo như: Chính sách ưu đãi tín dụng; chính sách mua Bảo hiểm Y tế, hỗ trợ về giáo dục, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phương tiện sản xuất, hỗ trợ về cây, con giống vật nuôi… đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương theo hướng tích cực. Tuy nhiên, theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, cách tiếp cận hộ nghèo có sự thay đổi từ đơn chiều (tiêu chí về thu nhập) sang đa chiều (cả về thu nhập và sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin). Điều này dẫn đến tỷ lệ hộ tái nghèo có chiều hướng tăng cao. Theo số liệu thống kê, tổng số hộ trên địa bàn huyện cuối năm 2017 là 10.556 hộ. Tính đến hết năm 2017, toàn huyện có 3.739 hộ nghèo, chiếm 35,42%; trong đó, số hộ nghèo do thu nhập là 3.669 hộ, chiếm 98,13%; số hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ cơ bản là 70 hộ, chiếm 1,87%. Trong năm 2017, có 535 hộ thoát nghèo; số hộ tái nghèo 178; số hộ nghèo phát sinh mới là 304 hộ. Trong tổng số 3.739 hộ nghèo có 7 hộ dân tộc kinh; 1.416 hộ dân tộc Mông; 821 hộ dân tộc Tày; 1.460 hộ dân tộc Dao; 27 dân tộc Nùng; 2 hộ dân tộc La Chí; 1 hộ dân tộc Hoa và 5 hộ dân tộc Pu Péo.
Gia đình anh Đặng Văn Pú (thôn Bó Lóa, Giáp Trung) có 4 con nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. |
Xã Giáp Trung có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với các xã, thị trấn; tính theo chuẩn đa chiều năm 2017; tổng số hộ nghèo của xã là 600/943 hộ, chiếm 63,63%. Theo đồng chí Phạm Viết Quảng, Chủ tịch UBND xã Giáp Trung cho biết: Số hộ nghèo của xã khá cao; hiện, còn 600 hộ nghèo, chiếm 63,63%; hộ cận nghèo có 178 hộ, chiếm 18,88%. Năm 2017, tranh thủ thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, xã đã có 14 hộ thoát được nghèo. Tuy nhiên, lại có 21 hộ nghèo phát sinh. Việc xóa nghèo bền vững ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như: tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn cao; đồi đất dốc khó canh tác, đa phần là đất bạc màu hoặc thiếu nước sản xuất; nhận thức áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân còn chậm, các mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại chưa phát triển.
Qua trao đổi về những khó khăn trong công tác giảm nghèo, lãnh đạo một số xã, thị trấn cho biết: Ngoài việc một bộ phận hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo, thì nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo còn dàn trải; một số chế độ, chính sách về an sinh xã hội chưa được chỉ đạo kịp thời; nguồn vốn được giao hàng năm chậm, đầu tư cơ sở hạ tầng giá nguyên vật liệu tăng cao… gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Nhận thức mới và trách nhiệm thực thi
Để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, huyện Bắc Mê xác định cần tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác giảm nghèo. Phân công trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo; tạo điều kiện khuyến khích, động viên các hộ tham gia đăng ký thoát nghèo; tập trung ưu tiên hỗ trợ giúp đỡ những hộ đăng ký thoát nghèo. Tổ chức đánh giá kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo chất lượng, phản ánh đúng thực trạng tại địa phương; rà soát, thống kê, cập nhật, lưu trữ đầy đủ số liệu về giảm nghèo làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo đa chiều trên cơ sở xác định sự thiếu hụt của người nghèo ở các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, điều kiện sống (nhà ở, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt), tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội, để có giải pháp hỗ trợ phù hợp nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng.
Trao đổi về công tác giảm nghèo, đồng chí Trần Tú Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Qua xem xét, xác minh lại các xã, thị trấn, tỷ lệ hộ nghèo tăng cao là do các năm trước công tác rà soát chưa phản ánh đúng thực tế, một số điều tra viên thu tập thông tin ghi phiếu còn sai sót nhiều như việc chấm điểm tài sản của các hộ dân; một số hộ gia đình trong năm bị thiên tai, mất mùa, tách hộ, thiếu đất sản xuất, không biết áp dụng khoa học và không đổi mới phương thức sản xuất… đã làm ảnh hưởng đến thu nhập Trước thực tế đó, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các xã, thị trấn phúc tra lại toàn bộ; đến nay, kết quả điều tra đã phản ánh trung thực, khách quan, dân chủ, phản ánh chính xác được hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ trung bình làm nông, lâm, ngư nghiệp; hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, hộ nghèo mới phát sinh… của từng thôn, xã. Đảm bảo được công khai, công bằng cũng như phản ánh được chính xác thực tế đời sống của nhân dân.
Bài, ảnh: Văn Quân
Ý kiến bạn đọc