Điểm trường Mầm non Đông Chè, xã Nàn Xỉn (Xín Mần) còn gặp nhiều khó khăn
BHG - Nhiều năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành triển khai nhiều chủ trương, chính sách phát triển KT - XH đối với các xã biên giới của huyện Xín Mần. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, hệ thống cơ sở y tế, giáo dục được đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực. Dẫu vậy, vẫn còn một số điểm trường trên đỉnh núi Gia Long với độ cao hơn 2.000m còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học; chỗ học tập, chỗ ăn, chỗ ngủ cho học sinh...
Chúng tôi đến điểm trường Mầm non thôn Đông Chè, xã Nàn Xỉn vào một ngày cuối năm. Mặc dù đã gần trưa, nhưng sương mù vẫn phủ kín khắp bản làng, những ngôi nhà chìm trong biển mây chỉ nghe tiếng đọc bài, tiếng nói cười của học sinh Mầm non ở điểm trường. Đồng chí Lý Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Nàn Xỉn cho biết: Trước đây, điểm trường là ngôi nhà trình tường nằm sát Hội trường thôn nhưng bị hư hỏng không thể sử dụng được nữa nên xã cho di chuyển sang Hội trường thôn để học sinh học tập được an toàn hơn.
Những “mầm non” ở Điểm trường khó khăn thôn Đông Chè (xã Nàn Xỉn) cần sự hỗ trợ. |
Hội trường thôn Đông Chè cũng chưa được xây dựng kiên cố. Ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 2010, lợp Proxi - măng, các bức tường che chắn bởi những tấm ván mỏng. Nhiều năm qua, do ảnh hưởng của mưa gió nên ngôi nhà có dấu hiệu xuống cấp. Những tấm ván cũng đã bị mối mọt nhiều, mái lợp bị thủng nhiều chỗ. Cô giáo Long Thị Xuân tâm sự: Thôn Đông Chè có 63 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc La Chí, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây lúa và cây ngô, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đa số. Điểm trường có 27 học sinh, hiện tại còn thiếu nhiều về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy và học; khó khăn về chỗ ăn, ngủ cho học sinh và nhà lưu trú của giáo viên. Vào mùa Đông, ở đây ít khi thấy mặt trời xuất hiện, nhiệt độ thường xuống thấp, giá rét, có thời điểm đã xuất hiện băng giá. Những lúc đó, nhìn học sinh đến lớp với bộ quần áo mỏng manh và đôi chân trần ngồi học bài trong lớp mà không hết nỗi thương cảm.
Đồng chí Lý Quốc Hưng cho biết thêm: Nàn Xỉn là một trong 4 xã giáp biên của huyện Xín Mần, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 71,6%. Thôn Đông Chè là thôn có điều kiện kinh tế khó khăn. Đầu năm nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự hỗ trợ của Chương trình CPRP (Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa) đầu tư làm tuyến đường bê - tông nối trung tâm xã đến thôn, tuy chưa hoàn thành nhưng cũng đã góp phần an sinh xã hội cho địa phương. Để chăm lo cho công tác giáo dục trên địa bàn, chính quyền địa phương đã nỗ lực hỗ trợ xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho hệ thống trường học trên địa bàn nhưng do kinh phí hạn hẹp, đường sá chưa làm xong nên việc xây mới Điểm trường cũng như chăm lo tốt cho giáo viên và học sinh học tập còn gặp nhiều hạn chế. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Điểm trường Mầm non thôn Đông Chè vẫn thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, tiếp tục viết tiếp giấc mơ con chữ và tin về tương lai sẽ tốt đẹp hơn đối với bản làng xa xôi của đồng bào dân tộc La Chí...
Rời Điểm trường Mầm non thôn Đông Chè với nhiều cảm xúc đan xen trong tiếng học bài của những đứa trẻ cất lên từ trong ngôi nhà nhỏ ẩn hiện trong sương mờ ngân vang khắp núi rừng biên giới. Hình ảnh những ánh mắt thơ ngây, đôi chân trần đến lớp hay những đôi môi se lại vì gió rét chắc sẽ làm lay động lòng trắc ẩn với bất kỳ ai khi một lần đến thăm Điểm trường khó khăn nhất của xã Nàn Xỉn này. Cũng như thổn thức với lời tâm sự của phụ huynh, giáo viên và đồng chí Chủ tịch UBND xã mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước chung tay, giúp đỡ để “mầm non” nơi biên cương được chăm sóc và phát triển tốt hơn.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc