Tháo gỡ khó khăn trong công tác dân số ở các huyện vùng cao
BHG- Dù còn nhiều khó khăn về điều kiện KT-XH, tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, nhưng tỉnh ta luôn chú trọng, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, công tác dân số ở một số huyện vùng cao hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Gia đình anh Sùng Chúng Già, thôn Há Chớ, xã Sủng Trái (Đồng Văn) kinh tế hết sức khó khăn, đã có 5 con nhưng vẫn có ý định sinh thêm. |
Các huyện vùng cao, với đặc thù điều kiện tự nhiên chủ yếu đồi núi, địa bàn rộng, giao thông chưa phát triển; đội ngũ cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) hoạt động chưa thực sự hiệu quả do mức hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu thực tế nên một số cán bộ và cộng tác viên (CTV) dân số bỏ việc.
Sau khi đã kiện toàn lại chức danh không chuyên trách, một bất cập nữa phát sinh đó là cán bộ dân số các xã đều thiếu chuyên môn do kiêm nhiệm chức vụ. Chị Dinh Thị Xúa, cán bộ dân số xã Lũng Táo (Đồng Văn) cho biết: “Trước đây tôi là Phó Bí thư Đoàn xã, nay kiêm nhiệm thêm cán bộ dân số. Mặc dù được đi tập huấn về công tác dân số, nhưng vẫn bỡ ngỡ. Kiến thức chuyên môn chưa vững nên nhiều văn bản, nội dung liên quan tôi chưa hiểu rõ nên rất khó tuyên truyền cho bà con”. Theo tìm hiểu, tại Trung tâm DS - KHHGĐ các huyện có đến 68% cán bộ chưa qua đào tạo kiến thức cơ bản; tại các xã, cán bộ dân số có đến hơn 50% kiêm nhiệm... Người có chuyên môn không muốn làm, người thiếu chuyên môn buộc phải làm, đó là thực trạng đang diễn ra đối với đội ngũ cán bộ dân số xã và CTV dân số thôn, bản hiện nay.
Bên cạnh những khó khăn về đội ngũ cán bộ dân số, vấn đề nhận thức của người dân tại các huyện vùng cao cũng là một rào cản lớn. Nhận thức của người dân với công tác dân số còn hạn chế, những hủ tục không dễ gì thay đổi. Mặc dù cán bộ dân số tích cực tuyên truyền, vận động, nhưng các trường hợp kết hôn cận huyết, sinh con thứ 3, tảo hôn vẫn xảy ra. Trao đổi với đồng chí Nông Quang Dân, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Đồng Văn, được biết: “Huyện Đồng Văn có 19 xã với 225 thôn, bản nhưng lực lượng cán bộ, CTV dân số rất mỏng, thiếu kiến thức chuyên môn. Một số chiến dịch liên quan đến sức khỏe sinh sản, huyện có triển khai nhưng khó vào được đời sống. Hiện nay, do toàn bộ cán bộ dân số tại các xã đều là người mới nên chúng tôi phải tập huấn lại kiến thức chuyên môn”.
Qua tuyên truyền về vấn đề dân số, bà con sẽ nhận thức được vấn đề cốt yếu và dần loại bỏ các hủ tục, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước tiên, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác dân số như hiện nay.
My Ly
Ý kiến bạn đọc