Sẵn sàng bước vào Ngày hội An toàn giao thông đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc
BHG - Ngày hội An toàn giao thông (ATGT) đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc năm 2017, do UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, chính thức diễn ra các hoạt động từ 7h30 phút đến 22 giờ, ngày 23.12 tại Quảng trường 26.3 (thành phố Hà Giang) dưới hình thức sân khấu hóa. Theo Ban tổ chức, Ngày hội có sự tham dự của 3 nghìn người, gồm đại biểu các bộ, ban, ngành T.Ư, cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh; đại diện Ban ATGT các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc gồm Hà Giang, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Các hoạt động chính của Ngày hội gồm: Văn nghệ chào mừng; trình chiếu phóng sự tình hình trật tự ATGT khu vực miền núi phía Bắc, giai đoạn 2012 - 2017; phóng sự về tai nạn giao thông (TNGT) và hậu quả của nó; tuyên dương các gương quần chúng nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia bảo đảm trật tự ATGT; ký cam kết “Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia bảo đảm trật tự ATGT” giữa các tỉnh miền núi phía Bắc; tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có người thân là nạn nhân của TNGT trên địa bàn tỉnh; tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho Ban ATGT các tỉnh miền núi phía Bắc; tặng quà cho cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong; tặng áo phao, cặp phao cho đồng bào, trẻ em thường xuyên phải tham gia giao thông bằng đường thủy; phát động diễu hành tuyên truyền ATGT qua các tuyến phố trung tâm thành phố Hà Giang. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các hoạt động: Triển lãm tranh về ATGT; tập huấn kiến thức và thi lái mô tô, xe máy an toàn; Ngày hội chăm sóc xe Honda; tập huấn sơ, cấp cứu nạn nhân TNGT.
Trong những năm gần đây, tỉnh ta đã thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư, đồng thời triển khai nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp nên đã góp phần kiềm chế, giảm sâu TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, trên tuyến đường chạy qua địa bàn các huyện vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng nông thôn vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Đơn cử như, vụ TNGT xảy ra ngày 27.8.2017, tại km 24+500, tỉnh lộ 176B, thuộc địa bàn thôn Bản Kẹp B, xã Minh Sơn (Bắc Mê) khiến 2 người chết, 2 người bị thương. Theo đó, vào khoảng 18 giờ, anh Thào Mí Phừ, sinh năm 1986, trú thôn Bản Kẹp B, điều khiển mô tô BKS 23B1 - 045.07 chở theo mẹ, vợ là bà Sùng Thị Mỉ và chị Giàng Thị Mỉ lưu thông theo hướng Du Già (Yên Minh) - Minh Sơn. Đến đoạn đường trên đã gây tai nạn với xe mô-tô BKS 23K1 - 142.72, do anh Phàn Văn Hiền, sinh năm 1984, trú thôn Lũng Dầm, xã Du Già điều khiển. Cú đâm mạnh giữa 2 xe, khiến anh Phừ mất trên đường đi cấp cứu, anh Hiền mất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 2 người phụ nữ bị thương.
Hay như, vụ việc xảy ra vào khoảng 9 giờ 20 phút, ngày 24.9 tại km 10 + 500, tỉnh lộ 176 (Yên Minh - Mèo Vạc) cũng rất thương tâm, cướp đi sinh mạng của 3 người trong cùng một gia đình. Vào thời điểm trên, xe mô tô BKS 23M1 - 089.12, do chị Lò Thị Yên, sinh năm 1987, thôn Bó Mới, xã Đông Minh (Yên Minh) điều khiển, chở theo 2 con nhỏ gồm Nông Viết Thọ và Nông Mạnh Trường lưu thông hướng Mèo Vạc - Yên Minh. Đến km 10 + 500, thuộc địa phận thôn Kéo Hẻn, xã Mậu Duệ (Yên Minh), chị Yên cho xe máy vượt ô tô tải BKS 23C - 019.93, do anh Lê Ngọc Thuần, sinh năm 1970 trú thôn Kéo Hẻn điều khiển nhưng lại va chạm với xe mô tô BKS 23M1 - 085.69 do ông Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1960, trú thôn Viềng, xã Hữu Vinh (Yên Minh) điều khiển đi theo hướng ngược chiều. Cú va chạm giữa 2 xe máy khiến 3 mẹ con chị Yên bị ngã, cuốn vào gầm xe tải, tử vong tại chỗ... Những vụ TNGT trên, thực sự là bài học đau xót, cảnh tỉnh mỗi người hãy nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Hiện tại, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, tỉnh ta sẵn sàng phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, tổ chức thành công Ngày hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, hậu quả của TNGT đối với gia đình và xã hội; phát động phong trào toàn dân tham gia công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời, kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, nhằm giảm bớt những nỗi đau, mất mát do TNGT đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn và giúp họ có cơ hội, động lực vươn lên trong cuộc sống.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc