Hút thuốc lá gây nên các bệnh đường hô hấp
BHG - Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Hút thuốc lá xưa nay được coi là thủ phạm gây nên nhiều bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó đứng đầu là ảnh hưởng đến chức năng phổi.
Ảnh hưởng của thuốc lá đến chức năng phổi
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến phổi và chức năng phổi, như: Tổn thương, làm chậm phát triển chức năng phổi ở trẻ nhỏ, làm giảm chức năng phổi. Hút thuốc lá còn gây ra nhiều triệu chứng hô hấp mãn tính, như: Ho mãn tính, khò khè, có đờm, khó thở. Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn. Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị tê liệt, thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến nhầy, do vậy thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi. Đôi khi các tuyến nhầy bị tắc lại, làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả cuối cùng là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ nhiều ở phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí gây nên bệnh ung thư phổi.
Ở hầu hết các nước, thuốc lá là nguyên nhân khiến hơn 90% ca tử vong vì ung thư phổi. Trong vòng 60 năm qua, tỷ lệ ung thư phổi tăng lên đáng kể cùng với số lượng người hút thuốc gia tăng. Trung bình, người hút thuốc tăng nguy cơ liên quan tới ung thư phổi từ 5 - 10 lần.
Các bệnh hô hấp cấp tính
Hút thuốc lá làm tăng số lần mắc bệnh và làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính ở người khỏe mạnh hút thuốc cao hơn người khỏe mạnh không hút thuốc từ 1,5 - 7 lần. So với nhóm không hút thuốc, tỷ lệ chết do lao hô hấp ở nhóm hút thuốc lá cao hơn 3 đến 5 lần, tỷ lệ chết do cúm và viêm phổi cao hơn từ 1,4 - 2,6 lần.
Các bệnh hô hấp mãn tính
Hút thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân của các vấn đề hô hấp mãn tính bao gồm viêm phổi, làm tổn thương quá trình sinh học ảnh hưởng đến phế quản và phế nang phổi, làm hạn chế phát triển chức năng phổi ở trẻ em, vị thành niên và chứng giảm chức năng phổi người lớn, gây ra các triệu chứng hô hấp quan trọng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, làm giảm chức năng phổi ở trẻ sơ sinh khi mẹ hút thuốc trong quá trình mang thai...
Hen
Ở người hút thuốc, bệnh hen sẽ bị nặng hơn so với người không hút thuốc. Người hút thuốc có bệnh hen sẽ có nhiều đờm, dễ bị dị ứng và ảnh hưởng tới sự lưu thông khí ở các đường thở nhỏ. Những người bị hen có hiện tượng viêm mãn tính ở đường hô hấp, nếu hút thuốc hay hít thụ động từ người hút thuốc, tình trạng viêm cũng sẽ nặng lên và đưa đến cơn hen cấp. Người bệnh hen nếu sống chung với người hút thuốc, sẽ có nhiều nguy cơ bị lên cơn hen, vì vậy nên yêu cầu mọi người không hút thuốc ở trong nhà hoặc bất cứ nơi nào có người bị hen.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Những người hút thuốc hay bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn những người không hút thuốc và thường bị nặng hơn. Trẻ em có bố, mẹ hút thuốc lá bị bệnh đường hô hấp nhiều hơn trẻ em có bố mẹ không hút thuốc. Những người hút thuốc không chỉ hay bị viêm phổi hơn mà còn bị tử vong nhiều hơn. Những người hút thuốc cũng hay bị cúm. Vắc xin phòng cúm ít hiệu quả đối với người hút thuốc và tỉ lệ tử vong do cúm ở những người hút thuốc cao hơn nhiều so với nhóm người không hút thuốc.
Thu Ngân (Soạn)
(Trung tâm TT/GDSK)
Ý kiến bạn đọc