Thành phố Hà Giang đẩy mạnh CCHC, xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả
BHG - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2015 – 2020 về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt coi trọng cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Sau một thời gian đi vào hoạt động, Trung tâm Giải quyết TTHC công thành phố đã thực sự đem lại sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Các TTHC đã được công khai, minh bạch; kỷ luật, kỷ cương hành chính được nâng cao; cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ quá hạn giảm mạnh. Các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường đã niêm yết công khai 100% TTHC giải quyết theo thẩm quyền. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ (CB), công chức (CC) làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã, phường được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Người dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Giải quyết TTHC công. |
Để công tác CCHC đạt hiệu quả cao, thành phố Hà Giang đã thực hiện tốt việc phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực theo chủ trương phân cấp của tỉnh, góp phần tạo thuận lợi trong giải quyết công việc cho công dân, tổ chức. Công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, viên chức (VC) tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ ứng xử, tinh thần trách nhiệm, hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Việc thực hiện khoán kinh phí trong các cơ quan hành chính Nhà nước đã giúp các đơn vị, địa phương chủ động điều hành nhiệm vụ được giao, thực hành tiết kiệm, từng bước tăng thêm thu nhập cho CB, CC; giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách giao, tích cực khai thác nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đã phát huy hiệu quả tốt, thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí hành chính.
Trong năm 2016, Trung tâm Giải quyết TTHC công thành phố đã công khai 323 thủ tục thuộc 19 lĩnh vực; 206/323 TTHC thuộc 10 lĩnh vực được cắt giảm từ 6-30%, thậm chí có thủ tục được rút ngắn 50% thời gian giải quyết so với quy định. Đồng thời Trung tâm đã tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông đối với 310/323 thủ tục/16 lĩnh vực, tăng 192 TTHC so với năm 2015, trong đó, có 17 thủ tục thuộc 2 lĩnh vực được triển khai thực hiện theo cơ chế “một cửa” liên thông. 9 tháng đầu năm 2017, Trung tâm tiếp nhận 5.283 hồ sơ, trong đó có 4.975 hồ sơ mới và 307 hồ sơ kỳ trước chuyển qua.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC công thành phố cho biết: Để phục vụ tốt các tổ chức, người dân và doanh nghiệp đến giao dịch, Trung tâm đã bố trí, sắp xếp các vị trí tiếp đón, hướng dẫn khách theo hướng khoa học; thường xuyên theo dõi, giám sát tiến độ giải quyết TTHC của các cơ quan trên hệ thống phần mềm “một cửa” và đôn đốc giải quyết kịp thời hạn. Công tác đón tiếp, hướng dẫn và tư vấn cho khách hàng đến giao dịch thực hiện đúng quan điểm “Văn minh - Thân thiện - Tận tình”.
Ngoài cán bộ của Trung tâm, cán bộ thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi cục Thuế thành phố, Công an thành phố được cử đến thực hiện nhiệm vụ cũng chấp hành nghiêm Quy chế hoạt động, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, nhiệt tình hướng dẫn công dân trong quá trình giao dịch, văn minh công sở, lịch sự trong giao tiếp ứng xử với công dân, tổ chức.
Theo kết quả thẩm định, đánh giá của UBND tỉnh về chỉ số CCHC năm 2015 và năm 2016, thành phố Hà Giang được đánh giá ở mức tốt, xếp thứ nhất trên 11 huyện, thành phố. Hiện, UBND thành phố đang triển khai lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng, thông qua việc điều tra xã hội học, làm cơ sở xác định chỉ số CCHC các xã, phường.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Phương Lan cho biết: Thành phố Hà Giang xác định, CCHC là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cơ quan, đơn vị, từ đó tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho CB, CC, VC và các tầng lớp nhân dân; nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của CB, CC, VC trong các cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC, xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc