Rèn luyện thân thể góp phần nâng cao thể chất và tinh thần
BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyến khích và kêu gọi toàn dân tập thể dục: “Việc luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước, việc đó không tốn kém, khó khăn gì mà gái trai, già trẻ gì cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày tập một tý thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ... Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào tôi cũng tập thể dục” và Người đã chăm chỉ tập thể dục, trở thành tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Thực hiện lời dạy của Người và hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” những năm qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh ta đã phát triển rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao thể chất, tinh thần cho nhân dân.
Mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc, anh Nguyễn Văn Hà, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) lại cùng đội bóng ra sân thi đấu. Dường như mọi sự mệt mỏi, căng thẳng sau một ngày làm việc đã cùng tan biến theo những pha bóng tranh chấp quyết liệt trên sân. Trò chuyện với chúng tôi sau trận đấu, anh chia sẻ: “Chiều nào tôi cũng tham gia đá bóng. Hôm nào mưa thì đánh cầu lông trong nhà thi đấu của huyện. Thời gian chơi thể thao không chỉ giúp tôi rèn luyện sức khỏe, tối về có giấc ngủ ngon mà còn để tái tạo sức lao động cho ngày làm việc tiếp theo”.
Ở các huyện vùng cao, biên giới tuy đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng tinh thần rèn luyện thể thao luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm và được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Hàng năm, trong các dịp lễ hội, các ngày lễ, ngày thành lập ngành, thành lập địa phương... các ngành, các địa phương đều lồng ghép tổ chức các hoạt động TDTT, tạo sân chơi lanh mạnh, bổ ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham gia tập luyện thể thao. Đại hội TDTT dân tộc thiểu số các huyện cũng luôn gặt hái được nhiều thành công, nhiều môn thể thao mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được người dân giữ gìn và phát huy như: Bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo...
Nói về phát triển phong trào TDTT, lãnh đạo Sở VHTT&DL chia sẻ: Các kỳ Đại hội TDTT các cấp là dịp để đánh giá phát triển sự nghiệp TDTT ở địa phương và là nòng cốt để xây dựng phong trào TDTT quần chúng. Các cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình, đề án của Chính phủ, của tỉnh về chăm sóc sức khỏe... cho nhân dân đều nhằm mục tiêu rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, tinh thần cho nhân dân.
Hiện nay, khi việc rèn luyện TDTT đã trở thành phòng trào rộng khắp, trên những con phố lúc sáng sớm hay chiều muộn, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân chăm chỉ tập luyện thể dục mỗi ngày; tại các sân vận động, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố phong trào đánh bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông cũng diễn ra thường xuyên. Mỗi lứa tuổi đều chọn cho mình nhưng môn thể thao và cách tập luyện phù hợp với sở thích và điều kiện sức khỏe của mỗi người.
Tại Công viên Cây xanh, thành phố Hà Giang mỗi buổi chiều, bà Trần Thị Dung (56 tuổi) đều chăm chỉ tập luyện, bà cho biết : “Trước đây tôi đi bộ theo đường đi bộ dọc bờ sông Lô, từ ngày Nhà nước đầu tư các dụng cụ tập thể dục tại Công viên Cây xanh, tôi chuyển sang tập ở đây. Được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cho người dân có không gian tập thể dục thế này, chúng tôi vui lắm. Đi tập thể dục cùng các bà trong xóm cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày và quan trọng hơn là đẩy lùi bệnh tật”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 21% dân số, tỷ lệ gia đình tập luyện TDTT đạt trên 9,5%, có trên 360 CLB TDTT, trên 2.700 đội TDTT cơ sở và trên 1.590 điểm, nhóm tập TDTT đang được duy trì và hoạt động hiệu quả; 100% trường học thực hiện giáo dục thể chất nội khóa, 84% trường học có hoạt động thể chất ngoại khóa.
Để phong trào TDTT tiếp tục phát triển, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thể thao, tuyên truyền và khơi dậy ý thức, niềm đam mê thể thao cho quần chúng nhân dân; chăm lo đời sống cho các huấn luyện viên, vận động viên thể thao; quan tâm đến tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới và chỉ tiêu văn hóa trong phát triển KT – XH hàng năm.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc