Hiệu quả Dự án GaVi với sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà
BHG - Dự án tăng cường năng lực hệ thống Y tế cơ sở một số tỉnh trọng điểm do Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và tiêm chủng (GaVi) tài trợ bắt đầu triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2012; cho đến nay đã thấy rõ những lợi ích và hiệu quả mang lại đối với công tác y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng; qua đó, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành Y tế trong lĩnh vực bảo vê, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân những năm gần đây.
Buổi thực hành của các học viên lớp tập huấn Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. |
Hà Giang là một trong 10 tỉnh của cả nước được Dự án GaVi lựa chọn triển khai thực hiện. Mục tiêu chung Dự án đưa ra là tăng cường năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, thông qua xây dựng năng lực cho cán bộ y tế, cải thiện dịch vụ y tế cơ sở, nâng cao năng lực quản lý, góp phần duy trì và tăng độ bao phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ bản nhất là dịch vụ tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Qua 5 năm triển khai, Dự án góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, cải thiện, duy trì và tăng độ bao phủ dịch vụ y tế cơ sở. Nhờ đó, các lớp đào tạo cho nhân viên y tế thôn, bản (YTTB) với thời gian 6 tháng và 9 tháng đã được tổ chức. 160 nhân viên YTTB được lựa chọn phù hợp với tiêu chí của tỉnh đề ra. Đây là một trong những hoạt động được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống y tế cơ sở, nhờ đó tỷ lệ và độ bao phủ số YTTB có trình độ theo quy định của Bộ Y tế được tăng lên, đội ngũ YTTB được đào tạo có chất lượng hơn, giúp cho việc giám sát phát hiện dịch bệnh cũng như ngộ độc thực phẩm tại cơ sở và báo cáo lên cấp trên được kịp thời.
Hoạt động tập huấn về tiêm chủng cho cán bộ bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã được thực hiện có hiệu quả. Tổ chức 5 lớp tập huấn tiêm chủng cho 220 cán bộ y tế tuyến huyện, 29 lớp tập huấn về thực hành tiêm chủng, 32 lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho 2.270 lượt cán bộ Trạm Y tế xã. Sau khi tập huấn, học viên được cập nhật các kiến thức mới và các quy định về tiêm chủng; qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Ngoài tập huấn, thực hành kỹ năng tiêm chủng, cán bộ y tế còn được truyền đạt những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản; tư vấn, truyền thông cho phụ nữ có thai; chăm sóc thai nghén; chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh. Bên cạnh đó, Dự án còn cung cấp máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa nước tiểu cho 3 Trung tâm Y tế huyện và 52 xã đã giúp cho việc khám, chữa bệnh được thuận lợi, chất lượng chẩn đoán và điều trị được tốt hơn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Đặng Văn Huynh trao Giấy chứng nhận cho cán bộ dự lớp tập huấn thực hành tiêm chủng. |
Một trong những hoạt động gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua tại cơ sở, đó là việc triển khai tiêm chủng, bởi địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn... Vì thế, để tăng độ bao phủ tiêm chủng, Dự án đã hỗ trợ tổ chức các điểm tiêm chủng ngoài trạm, nhờ đó đã góp phần tăng độ bao phủ tiêm chủng. Từ năm 2013 đến nay, tại các điểm tiêm chủng ngoài Trạm đã tổ chức tiêm cho 179.835 lượt trẻ, đạt 96,43%, 55.833 lượt phụ nữ được tiêm phòng uốn ván, đạt 94,79% so với đề hoạch đề ra. Ngoài thực hành tiêm chủng, cán cán bộ còn lồng ghép các hoạt động truyền thông, tư vấn để cung cấp cho người dân kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, lợi ích của việc tiêm chủng mở rộng...
Xác định tăng cường năng lực quản lý y tế là một trong những nội dung trọng tâm để đổi mới và phát triển ngành Y tế, vì thế các hoạt động tập huấn về lập kế hoạch, theo dõi và giám sát cho cán bộ quản lý y tế tuyến tỉnh, huyện cũng như việc hỗ trợ theo dõi và giám sát hoạt động y tế cơ sở cũng được Dự án chú trọng. Thông qua hoạt động này, giúp đội ngũ cán bộ cơ sở xây dựng kế hoạch có tính khả thi, chất lượng các chuyến giám sát được tăng lên. Công tác hỗ trợ theo dõi và giám sát hoạt động y tế cơ sở được thực hiện có hiệu quả hơn. Từ năm 2012 đến 2017, Sở Y tế đã thực hiện 78 chuyến giám sát tại Trung tâm Y tế xã huyện và các Trạm Y tế xã.
Từ những kết quả thực tiễn trên, Dự án GaVi đã góp phần đáng kể đối với các hoạt động y tế ở tuyến cơ sở, qua đó tình trạng sức khỏe người dân được cải thiện cũng như được tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất. Những yếu tố đó là minh chứng cho sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà những năm gần đây, mà Y tế cơ sở là một mắt xích quan trọng trong thành công đó.
Bài, ảnh: Ngọc Ánh
(Trung tâm Truyền thông GDSK)
Ý kiến bạn đọc