Cần sớm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động giết mổ gia súc tập trung tại thành phố Hà Giang
BHG - Theo chủ trương xã hội hóa, cuối năm 2016, UBND thành phố Hà Giang đã xúc tiến mời gọi Công ty TNHH AH Hà Giang đầu tư Dự án Cải tạo và xây dựng hạ tầng cơ sở giết mổ gia súc tập trung theo dây chuyền bán tự động tại tổ 1, phường Minh Khai. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 6.2017, thế nhưng khác với những kỳ vọng ban đầu, số lượng lợn đưa vào lò mổ quá ít, không đủ vận hành lò mổ trên dây chuyền mới, gây lãng phí cho nhà đầu tư. Trong khi đó, hiện vẫn có 50% số hộ tự tổ chức giết mổ thủ công tại nhà, con số trên đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc tại địa bàn thành phố.
4 giờ sáng, phóng viên có mặt tại lò giết mổ gia súc tập trung, cả khu vực rộng lớn, rực ánh điện sáng, nhưng lại rất đìu hiu, chỉ có khoảng 20 tiểu thương đưa gia súc đến mổ, bán trong ngày. Theo lời của các tiểu thương, những người kinh doanh, buôn bán thịt lợn ở chợ trên địa bàn thành phố đưa gia súc đến giết mổ rất ít. Mặc dù tính cả tiền dịch vụ môi trường, kiểm dịch động vật... chi phí 57 nghìn đồng/con, nhưng mỗi ngày cũng chỉ có khoảng 20 đầu lợn được đưa vào giết mổ. Anh Hoàng Văn Phúc, xã Phú Linh (Vị Xuyên), công nhân cơ sở giết mổ tập trung cho biết: “Cơ sở giết mổ gia súc tập trung được cải tạo mới, có đủ hệ thống điện chiếu sáng, nước, rất hợp vệ sinh, công nhân phục vụ chu đáo, nhưng hiện người dân chủ yếu đưa lợn đen vào đây và giết mổ theo phương pháp truyền thống, còn hệ thống dây chuyền giết mổ bán tự động, đầu tư hiện đại vẫn chưa thể vận hành do không có gia súc đến mổ”.
Lò giết mổ gia súc tập trung tại tổ 1, phường Minh Khai chưa thể vận hành dây chuyền bán tự động do số lợn đưa vào đây rất thấp. |
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế thành phố Hà Giang, trung bình mỗi ngày thị trường thành phố tiêu thụ từ 8 -10 tấn thịt lợn hơi, tương đương trên 100 con lợn được giết mổ. Tuy nhiên, cả 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở phường Minh Khai và Ngọc Hà mới đạt tổng công suất 50 con/ngày. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ có 50% số thịt lợn bán ra thị trường khó kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh và đường đi của thực phẩm bẩn đến bữa ăn của mỗi gia đình quá dễ.
Trong khi đó, lò mổ được xây dựng đồng bộ, hiện đại tại tổ 1, phường Minh Khai, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường lại đang hoạt động cầm chừng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Bùi Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH AH cho hay: “Lò mổ mới, được thiết kế theo quy trình khép kín; đường nhập heo sống và xuất thịt riêng biệt; hệ thống xử lý chất thải được phân loại ngay khi mổ; hệ thống giết mổ lợn trắng theo dây chuyền bán tự động, lợn đen mổ truyền thống và được chia làm 2 khu vực riêng biệt. Theo dự tính ban đầu, lò mổ có thể đáp ứng được 200 con lợn/ngày. Nhưng thực tế hiện nay, mới chỉ có 20 - 30 con/ngày và chủ yếu là lợn đen nên chưa đạt hiệu quả để mổ theo dây chuyền. Doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản đến cơ quan chức năng của thành phố Hà Giang, nhưng mọi việc vẫn chưa tiến triển”.
Nhằm đôn đốc các xã, phường, thực hiện quy định của pháp luật về giết mổ gia súc, UBND thành phố Hà Giang đã kiện toàn Tổ liên ngành kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Nhưng do phần lớn các hộ thu mua gia súc giết mổ chui tại nhà nên rất khó trong khâu quản lý. Các điểm bán thịt lợn ở chợ trung tâm thành phố, chợ cóc, chợ phiên ngày càng tăng; kèm theo thói quen mua sắm của nhiều người dân đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho thực phẩm bẩn bám rễ, phát triển và khó kiểm soát.
Trước thực trạng trên, UBND thành phố đã giao các phòng chức năng, tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động giết mổ gia súc bằng nhiều hình thức khác nhau; có chế tài xử phạt những hộ vi phạm; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân khi mua, bán, sử dụng sản phẩm động vật phải có nguồn gốc, có dấu thú y. Quan điểm của thành phố tiếp tục huy động xã hội hóa, tạo hành lang pháp lý thuận tiện cho tổ chức, cá nhân thiết kế, bổ sung thêm khu giết mổ tập trung quy mô nhỏ và vừa ở những địa bàn cách xa lò mổ hiện có. UBND thành phố sẽ sớm có buổi làm việc với Công ty TNHH AH để tháo gỡ những khó khăn trước mắt; đồng thời vận động các hộ giết mổ ở phường Trần Phú, Nguyễn Trãi đưa gia súc về lò mổ tập trung tại tổ 1, phường Minh Khai - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang, Nguyễn Minh Phú khẳng định.
Chủ trương xã hội hóa xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung của thành phố Hà Giang đã khuyến khích được các doanh nghiệp, đã có nhà đầu tư bỏ hàng tỷ đồng lắp đặt dây chuyền, nhà xưởng hiện đại... Nhưng để vận hành được và để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, làm ăn lâu dài, hiệu quả, rất cần sự vào cuộc, phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn của thành phố Hà Giang.
THIÊN THANH - MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc