Cách làm hay trong xóa nhà tạm, kiên cố hóa điểm trường, trụ sở thôn ở Hoàng Su Phì

09:09, 10/11/2017

BHG - Hà Giang được biết đến là một tỉnh vùng cao biên giới nơi địa đầu Tổ quốc còn gặp vô vàn khó khăn... Tỉ lệ hộ nghèo cao; số gia đình sống trong những ngôi nhà tạm còn nhiều. Nhiều điểm trường, trụ sở thôn, bản là nơi sinh hoạt của cộng đồng và học tập của học sinh, cũng trong tình trạng thiếu thốn, tạm bợ. Bởi vậy, “bài toán” về nâng cao đời sống, tinh thần, học tập ở cơ sở luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đi tìm lời giải.

Nhà sàn truyền thống khung bê-tông tại thôn Phủng Cá, xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) sẵn sàng đi vào hoạt động phục vụ học tập của học sinh trong thôn.
Nhà sàn truyền thống khung bê-tông tại thôn Phủng Cá, xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) sẵn sàng đi vào hoạt động phục vụ học tập của học sinh trong thôn.

 

Hoàng Su Phì cũng giống những địa phương khác, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm cho bà con nhân dân luôn được huyện quan tâm. Thế nhưng, trong tình trạng chung của các huyện vùng cao là đất để xây dựng thiếu do địa hình đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn; địa bàn rộng, số hộ đói, nghèo còn chiếm tỉ lệ khá cao; nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp nên dù có được đầu tư, hỗ trợ xây dựng những điểm trường, trụ sở thôn và xóa nhà tạm giá thành cũng cao hơn so với các huyện vùng xuôi.

 Nhà sàn khung bê-tông tại xã Bản Máy đã được bố trí là nơi ăn, nghỉ cho học sinh bán trú tại xã. 										Ảnh: PHI ANH
Nhà sàn khung bê-tông tại xã Bản Máy đã được bố trí là nơi ăn, nghỉ cho học sinh bán trú tại xã. Ảnh: PHI ANH

 

Hiện nay, nhu cầu về kiên cố hóa điểm trường và trụ sở thôn, bản là rất cấp thiết và   với điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn thì việc để mỗi thôn, bản của tỉnh có một công trình trụ sở thôn và điểm trường là việc không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn với nguồn kinh phí hạn hẹp... Một thực tế chung, rõ ràng là nguồn lực của các huyện trong tỉnh không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên; xóa nhà tạm, trụ sở thôn, bản nếu không có nguồn lực từ T.Ư. Hiện, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì còn rất nhiều điểm trường, trường chính; trụ ở thôn, bản đang đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Đó cũng là bài toán khó đang đặt ra với chính quyền địa phương...

Từ thực trạng trên, huyện Hoàng Su Phì với tinh thần chủ động, học tập từ các địa phương khác cùng với tính sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm đã vận động một số hộ gia đình tại xã Bản Phùng xóa nhà tạm bằng mô hình nhà sàn truyền thống  khung bê-tông. Đến nay, xã Bản Phùng đã có 8 ngôi nhà sàn truyền thống khung bê-tông khang trang, thoáng mát với tổng mức kinh phí từ 300 triệu đồng trở lên, được bà con xây dựng trong thời gian qua. Mô hình nhà sàn truyền thống khung bê-tông cho thấy sự hữu dụng, hợp lý và tỉnh đã cho chủ trương làm điểm chương trình kiên cố hóa điểm trường và trụ sở thôn, bản bằng nhà sàn truyền thống khung bê-tông tại 2 xã: Bản Phùng và Bản Máy.

Đến nay, sau một thời gian khẩn trương triển khai với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm tại thôn Phủng Cá (Bản Phùng) và xã Bản Máy, công trình nhà sàn truyền thống khung bê-tông đã hoàn thành với tổng kinh phí khi hoàn thiện trên 450 triệu đồng, gồm 2 tầng, 5 gian và tại xã Bản Phùng được sắp thành 2 phòng học và một phòng lưu trú cho giáo viên điểm trường tại tầng 1; tầng 2 gồm phòng làm việc của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và cũng là nơi để bà con sinh hoạt cộng đồng. Tại xã Bản Máy với điều kiện cơ sở vật chất tại trung tâm xã tốt hơn nên xã đã bố trí tầng 1 làm phòng ăn và tầng 2 làm nhà lưu trú cho hơn 100 em học sinh bán trú tại trường...

Thực tế bước đầu cho thấy, mô hình nhà sàn truyền thống khung bê-tông nếu được đầu tư cho việc kiên cố hóa điểm trường, trụ sở thôn, bản sẽ là một mô hình lưỡng dụng; cách làm hay đối với tỉnh nghèo như Hà Giang về nhu cầu kiên cố hóa điểm trường, trụ sở thôn, bản. Thiết nghĩ địa phương và các ngành chức năng cần đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm để nhân rộng chương trình trong thời gian tới trên địa bàn toàn tỉnh, giúp các địa phương giảm nhanh số phòng, lớp học tạm, giảm khó khăn cho thầy và trò, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy, học và phổ cập giáo dục; nơi sinh hoạt học tập của cộng đồng tại thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: PHI ANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

TIN BÃO TRÊN BIỂN ĐÔNG (CƠN BÃO SỐ 13)

Sáng sớm nay (10.11) bão Haikui đã vượt qua khu vực phía Nam Lu-Dông của Philippin đi vào biển Đông, cơn bão số 13.

10/11/2017
Bảo hiểm Xã hội huyện Hoàng Su Phì góp phần đảm bảo an sinh xã hội

BHG - Hoàng Su Phì là huyện nằm trong diện đặc biệt khó khăn của tỉnh, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 62% (theo tiêu chí mới nghèo đa chiều đến tháng 10.2017); đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các xã vùng sâu, khu vực biên giới. Do vậy, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu, được các cấp, các ngành thực hiện; từ việc tìm giải pháp, cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ người dân về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, XĐGN. 

09/11/2017
Xín Mần phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, vươn lên xóa đói giảm nghèo

BHG - Nằm ở phía Tây của tỉnh, huyện Xín Mần có điều kiện địa lý, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các xã biên giới, nhưng đồng bào nơi đây luôn cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, từng bước phát triển kinh tế, đoàn kết, cùng nhau XĐGN. Huyện Xín Mần có 1 thị trấn và 18 xã, trong đó có 4 xã giáp biên, có trên 32 km đường biên giới, 1 cửa khẩu Quốc gia và nhiều lối mở. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế. 

09/11/2017
TIN ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI GẦN BIỂN ĐÔNG

Hồi 13 giờ ngày 09/11 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông trên khu vực miền Trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

09/11/2017