Phụ nữ Hà Giang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
BHG - Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27.4.2007 của Bộ chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình, xã hội ngày càng được nâng lên.
Sau khi triển khai, quán triệt và học tập nghị quyết, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” và các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức xã hội về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Thông qua các hoạt động, hội viên phụ nữ đã tham gia 5.578 ý kiến góp ý vào một số văn bản, dự thảo của các cấp. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào vấn đề gia đình, phụ nữ và bình đẳng giới, nhiều ý kiến góp ý được các cấp, ngành ghi nhận và bổ sung, sửa đổi.
Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể tổ chức giám sát trên 1.690 cuộc về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ; kiến nghị với các cấp, ngành chức năng bổ sung chính sách hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác cán bộ nữ, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống mua, bán người, xâm hại trẻ em; khai thác và tổ chức thực hiện 15 dự án, chương trình hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, XĐGN, chăm sóc sức khỏe, học nghề, tạo việc làm, xây dựng gia đình hạnh phúc. Toàn tỉnh đã thành lập, duy trì được 210 Câu lạc bộ (CLB) Xây dựng gia đình hạnh phúc; 39 CLB Trách nhiệm và chia sẻ; 247 CLB Gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan; 114 CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3...
Các phong trào thi đua như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xóa mù chữ”, “Phụ nữ cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”, Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”... được triển khai sâu, rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Các mô hình điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo được nhân rộng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản cho phụ nữ về phòng, chống tội phạm, ma túy; tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hoá, giáo dục, cải tạo người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng... Qua đó, đã góp phần thiết thực nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong nuôi dạy, giáo dục con, cháu và giải quyết các vấn đề xã hội.
Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với Ban Tổ chức cấp ủy cùng cấp theo dõi, nắm vững tình hình cán bộ nữ, chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp trong công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ nữ; vận động cán bộ nữ sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được điều động, luân chuyển hoặc bổ nhiệm; chủ động, tham mưu, đề xuất giới thiệu cán bộ nữ có đủ điều kiện cho cấp ủy đưa vào quy hoạch các chức danh chủ chốt các cấp; phối hợp đào tạo đối tượng nguồn quy hoạch.
Đồng chí Lê Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 31.01.2008 của Tỉnh uỷ về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Trong giai đoạn tiếp theo, các cấp Hội tiếp tục tham mưu với cấp ủy Đảng có chính sách tạo điều kiện cho cán bộ nữ, cán bộ Hội các cấp tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ; xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hà Giang có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, làm chủ cuộc sống, góp phần xây dựng và phát triển KT – XH của địa phương.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc