Đẩy mạnh thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình
BHG - Ngày 29.3.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11 về việc đẩy mạnh thực hiện giáo dục đạo đức (GDĐĐ), lối sống trong gia đình với mục đích nhằm phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nhằm giảm tình trạng ly hôn, ly thân; phòng, chống các tệ nạn xã hội. Qua đo, xây dựng gia đình ngày một ấm no, tiến bộ.
Thông qua sách, báo, cán bộ thôn Khau Rịa, xã Du Già (Yên Minh) thực hiện tốt giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Ảnh: Duy Tuấn |
Để cụ thể hóa Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện dựa trên điều kiện cụ thể của địa phương. Trong đó, yêu cầu các cấp, ngành liên quan tập trung thực hiện các nội dung như: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về vị trí vai trò, ý nghĩa của đạo đức, cách ứng xử của mỗi thành viên đối với việc gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình. Vai trò của người chồng, người vợ, ông bà, cha mẹ, con cái trong gìn giữ nét văn hóa truyền thống; nâng cao kỹ năng ứng xử của các thành viên trong phòng, chống bạo lực gia đình, giúp từng gia đình xóa bỏ các định kiến lạc hậu về trọng nam, khinh nữ gắn với việc thực hiện gia đình văn hóa, dòng họ hiếu học. Cùng đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, người già và trẻ em...
Để tìm hiểu rõ hơn việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT, cho rằng: Thời gian gần đây, tình trạng ly hôn, ly thân, nhất là việc các vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em trong cả nước có diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên một phần do chưa xem việc GDĐĐ, lối sống trong gia đình là nền tảng, tiền đề để hình thành tính cách, nhân cách con người; nhiều gia đình chưa coi trọng việc giáo dục con cái ngay từ khi còn nhỏ, chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của gia đình đối với sự phát triển KT - XH của đất nước. Vì vây, việc triển khai, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh GDĐĐ, lối sống trong gia đình là rất cần thiết; với trách nhiệm của mình, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn đưa nội dung GDĐĐ, lối sống gia đình vào hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề gắn với việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào trường học, qua đó, tạo bước chuyển biến tích cực. Các em học sinh được các thầy, cô giáo truyền dạy các kỹ năng sống, nhất là đối với các kỹ năng về giao tiếp, kiểm soát cảm súc, tự phục vụ bản thân, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích trong học đường. Nhiều học sinh bậc Tiểu học, THCS, nhất là ở các trường nội trú, bán trú ở vùng cao trước đây rất thụ động, hạn chế trong giao tiếp và sinh hoạt tập thể thì nay đã biết chia sẻ với những khó khăn của gia đình, bạn bè hoặc tự phục vụ bản thân.
Anh Lê Anh Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo - Tỉnh đoàn, chia sẻ: Trên cơ sở kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng về đẩy mạnh GDĐĐ lối sống trong gia đình, Tỉnh đoàn đã lồng ghép, triển khai thực hiện cùng Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường GDĐĐ cách mạng, lối sống cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030; với cách làm phù hợp, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ sống có lý tưởng, tự trọng, tự chủ, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Cùng đó là, xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình đoàn viên, thanh niên văn hóa, hòa thuận.
Phát huy kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 về tăng cường GDĐĐ, lối sống trong gia đình; thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục phổ biến, có giải pháp triển khai cụ thể, phù hợp với trình độ nhận thức, dân trí của mỗi vùng miền, với mục tiêu từng bước xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc