Đã có 54 người chết, 39 người mất tích do mưa lũ
Thông tin từ Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đến hết ngày 12-10, mưa lũ làm 54 người chết, 39 người mất tích và 31 người bị thương; hàng trăm ngôi nhà bị sập, hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước, hàng nghìn hộ dân phải di dời khẩn cấp; nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân bị ngập úng, thiệt hại…
Cụ thể, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, thiệt hại bước đầu tính đến 22 giờ ngày 12-10 như sau:
Có 54 người chết (Sơn La: 6 người, Yên Bái: 6 người, Hòa Bình: 17 người, Thanh Hóa: 14 người, Nghệ An: 9 người, Hà Nội: 2 người); 39 người mất tích (Sơn La: 2 người, Yên Bái: 16 người, Hòa Bình: 15 người, Thanh Hóa: 5 người, Quảng Trị: 1 người); 31 người bị thương (Sơn La: 03 người, Yên Bái: 07 người, Thái Bình: 06 người, Hòa Bình: 09 người, Thanh Hóa: 05 người, Hà Tĩnh: 01 người).
Về sự cố sạt lở đất vùi lấp bốn hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã huy động hơn 300 người cùng phương tiện, thiết bị để tìm kiếm cứu nạn.
Đến chiều 12-11, đã tìm được chín thi thể nạn nhân bị vùi lấp. Còn 10 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất tại Hòa Bình. |
Về tài sản, có 189 nhà bị sập (Sơn La: 50 nhà, Yên Bái: 65 nhà, Hòa Bình: 32 nhà, Thanh Hóa: 36 nhà, Nghệ An: 04 nhà, Hà Tĩnh: 2 nhà); 30.827 nhà bị ngập (Sơn La: 43 nhà, Yên Bái: 1.705 nhà, Phú Thọ: 424 nhà, Hà Nội: 295 nhà, Hà Nam: 8.667 nhà, Thanh Hóa: 17.604 nhà, Hà Tĩnh: 2.089 nhà); 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 142 nhà, Yên Bái: 386 nhà, Phú Thọ: 58 nhà, Hòa Bình: 900 nhà, Hà Nội: 70 nhà, Hà Nam: 238 nhà, Nghệ An: 154 nhà).
Lũ lớn, một số sông vượt lịch sử, đã xảy ra trên 60 sự cố trên các tuyến đê. Trong đó:
Tại Thanh Hóa, trên các tuyến đê từ cấp III trở lên, xảy ra bốn sự cố sạt lở mái phía sông, đồng với chiều dài 152m; năm sự cố thẩm lậu, đùn sủi; 03 sự cố cống qua đê và tràn cục bộ 06 đoạn với tổng chiều dài 3.276m.
Trên các tuyến đê dưới cấp III, sạt lở 11 đoạn với tổng chiều dài 298m; đùn sủi, thẩm lậu tại năm điểm; ba sự cố cống qua đê; tràn cục bộ năm đoạn với tổng chiều dài trên 4.800m; vỡ 3,0m đê bao Tế Nông bảo vệ 40ha trồng cói.
Địa phương đã kịp thời phát hiện và xử lý giờ đầu các sự cố nêu trên.
Tại Hà Nội, các tuyến đê từ cấp III trở lên, đã xảy ra một sự cố sạt lở mái đê (K15+965-K15+996 tả Đáy, huyện Hoài Đức. Địa phương đã xử lý giờ đầu.
Các tuyến đê dưới cấp III, bị tràn 11 đoạn với tổng chiều dài khoảng 13.950m tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai; vỡ đê Bùi 2 huyện Chương Mỹ (bao ngăn lũ núi) dài 15m. Địa phương đã di dời 70 hộ dân vùng ngập đến nơi an toàn.
Tại Hà Nam, đã xảy ra bốn sự cố sạt mái đê với tổng chiều dài 125m trên các tuyến đê từ cấp III trở lên; xảy ra nhiều sự cố sạt, trượt trên các tuyến bối, trong đó vỡ, tràn gây ngập một số khu dân cư. Địa phương đã di dời 238 hộ và dự kiến kế hoạch di dời tiếp 1.620 hộ trong các vùng ngập.
Tại Nam Định, xảy ra bảy sự cố sạt trượt mái và xuất hiện đùn sủi tại một số vị trí trên các tuyến đê sông với chiều dài 1.178m; một số vị trí đê, kè biển, cửa sông bị hư hỏng do bão số 10 mới được xử lý tạm tiếp tục bị hư hỏng do ATNĐ.
Về nông, lâm nghiệp, lúa bị ngập thiệt hại: 22.926ha (Sơn La: 553ha, Yên Bái: 281ha, Hòa Bình: 10.000ha, Hà Nội: 194ha; Hà Nam: 7.869ha; Ninh Bình: 2.647ha, Thanh Hóa: 1.096ha, Nghệ An: 323ha).
Ngô, hoa màu, rau màu bị thiệt hại: 29.192ha (Sơn La: 110ha, Yên Bái: 705ha, Phú Thọ: 1.695ha, Hà Nội: 1.667ha, Hưng Yên: 850ha; Hà Nam: 8.212ha, Thanh Hóa: 7.023ha, Nghệ An: 8.630ha, Hà Tĩnh: 301ha).
Cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung: 16.303ha (Hà Nội: 218ha, Hưng Yên: 500ha, Hà Nam: 750ha, Thanh Hóa: 13.375ha, Nghệ An: 1.461ha).
Về chăn nuôi, gia súc bị chết, cuốn trôi: 5.747 con; gia cầm bị chết, cuốn trôi: 174.793 con.
Về giao thông, nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến như:
Tại Yên Bái: TL174 Văn Chấn - Trạm Tấu còn nhiều điểm sạt lở chưa khắc phục xong; TL164 An Bình – Lâm Giang đã hót sụt được 35.000/100.000m3; Tại Hòa Bình: Hiện tuyến đường 229 và 10 tuyến đường tỉnh (432, 432B, 433, 435B, 438, 438B, 450, 440, 448, 449) chưa thông tuyến.
Tại Sơn La: Đường giao thông đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ hiện vẫn cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 02 mố); QL37, QL43 bị cuốn trôi 24 cầu, cống, sụt taluy dương 34.310m3.
Tại Thanh Hóa: các tuyến QL (217B, 15, 15C, 16, 217, 47) bị sạt lở 45 điểm, hư hỏng mặt đường 04 điểm, ngập gây tắc cục bộ 31 điểm; các tuyến TL (521C, 521E, 519B, 516B, 530, 522, 523C, 523B, 518B, 519, 527B, 527C, 514, 520B, 523) bị sạt lở 55 điểm, ngập 29 điểm; tuyến đường tuần tra biên giới sạt taluy dương tại nhiều điểm gây ách tắc giao thông.
Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê đánh giá thiệt hại, tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông.
Một số xã hiện bị cô lập do giao thông chưa khắc phục được, gồm: Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; các xã vùng cao Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tân Pheo, Tiền Phong, Vầy Nưa, Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Đồng Ruộng huyện Đà Bắc và các xã Yên Bồng, Khoan Dụ, lạc Long, Cố Nghĩa, Hưng Thi, An Bình huyện Lạc Thủy.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, ngập úng đã xảy ra trên diện tích 162.636 ha, trong đó Hòa Bình: 10.000ha, Phú Thọ: 859ha; Bắc Ninh: 190ha, Hưng Yên: 400ha, Hải Dương: 578ha, Nam Định: 50.928ha, Hà Nam: 9.356ha, Thái Bình: 40.000ha, Ninh Bình: 12.500ha, Thanh Hóa: 27.405ha, Nghệ An: 10.119ha, Hà Tĩnh: 301ha.
Tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, việc tiêu úng khó khăn do lũ sông Đáy lớn, nước triều cao, diện tích lúa chưa gặt còn rất lớn.
Theo Báo Nhân dân điện tử
Ý kiến bạn đọc