Sự thật về câu chuyện "Cậu bé mồ côi phải ăn hạt mít thay cơm" ở xã Thuận Hòa (Vị Xuyên)
BHG - Những ngày gần đây, trên một số trang báo điện tử và mạng xã hội đang chia sẻ câu chuyện về cậu bé Tráng Văn Sầu, mồ côi cha mẹ, suốt ngày phải ăn hạt mít thay cơm ở thôn Lũng Khỏe A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). Câu chuyện được lan truyền “chóng mặt” trên mạng xã hội kèm theo câu hỏi: Chính quyền địa phương ở đâu khi để gia đình cậu bé phải chật vật chống chọi với “giặc đói” của cư dân mạng. Phóng viên Báo Hà Giang đã trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương và đến tận gia đình cậu bé để xác minh vụ việc.
Lãnh đạo xã và thôn đến thăm, động viên gia đình ông Lộc. |
Trao đổi với phóng viên, ông Thượng Thái Lương, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hòa cho biết: “Cậu bé Tráng Văn Sầu (8 tuổi, dân tộc Dao) là cháu ngoại của ông Tráng Mìn Lộc và bà Phàn Thị Thẩy, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, ông bà lại già yếu nên hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, gia đình ông Lộc không phải suốt ngày ăn hạt mít thay cơm như một số trang báo điện tử đã đưa tin. Ông bà có 4 mảnh ruộng, với diện tích khoảng 500 m2, vẫn trồng được lúa 1 vụ, còn 1 vụ trồng ngô. Gia đình thiếu gạo ăn khoảng 5 – 6 tháng/năm, nhưng được hỗ trợ theo quy định hộ nghèo của Chính phủ là 100 nghìn đồng/khẩu/năm và 15 kg gạo/khẩu/năm. Chính quyền địa phương cũng không bỏ rơi gia đình, mà dịp Tết Nguyên đán hàng năm đều hỗ trợ cho gia đình 15 kg gạo/khẩu, 100 nghìn đồng/khẩu kèm theo quà là bánh kẹo và tiền mặt, mỗi khi có các đoàn từ thiện cũng luôn ưu tiên hỗ trợ gia đình ông bà. Như vậy, với 90 kg gạo được hỗ trợ một năm, gia đình 2 người già và 1 trẻ nhỏ dư sức ăn trong vòng 3 – 4 tháng. Vậy tính ra, một năm gia đình ông Lộc chỉ thiếu gạo ăn khoảng 1 – 2 tháng, thì gia đình ông vẫn đủ ngô và sắn để ăn trong vòng hơn 1 tháng đó, ngoài ra còn được anh em, làng xóm giúp đỡ, cho gạo chứ không phải suốt ngày ăn hạt mít thay cơm như một số bài báo đã đưa...”.
Phóng viên đã tìm đến gia đình ông Lộc ở thôn Lũng Khỏe A, trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với gia đình. Ông bà đều đã ngoài 70 nhưng vẫn còn minh mẫn, với giọng nói lơ lớ, chưa sõi tiếng phổ thông, ông Lộc chia sẻ với chúng tôi: “Tôi và vợ bằng tuổi nhau, năm nay đều đã 70 tuổi. Thằng Sầu là cháu ngoại, nó vừa đẻ được một năm thì bố bỏ đi, không rõ tung tích, đến nay cũng không thấy về. Khi thằng Sầu được 4 tuổi thì mẹ nó bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Cách đây 2 năm, mẹ nó có về thăm nhà một lần, nói đã có chồng con ở bên đấy, kinh tế cũng khó khăn nên không đem theo thằng Sầu để nuôi được. Từ đó đến nay, nó ở với chúng tôi. Hai vợ chồng tôi đều đã già cả, sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng làm nương, làm ruộng để nuôi cháu ngoại. Nhà có 4 mảnh ruộng, vợ chồng tôi vẫn cố gắng cấy lúa để có gạo ăn, trồng thêm ngô và sắn ở mảnh nương gần nhà. Mỗi năm, gia đình tôi đều được hỗ trợ gạo 2 lần, số gạo đấy cũng đủ ăn khoảng gần 4 tháng. Còn khoảng 2 tháng thiếu ăn thì vẫn có ngô, sắn ăn thay cơm và cũng được hàng xóm giúp đỡ nhiều, người thì cho gạo, người cho sắn, người cho rau cỏ. Ngôi nhà tạm gia đình tôi đang ở đây cũng là bà con hàng xóm dựng giúp cách đây mấy năm; mọi người cũng hay giúp đỡ chúng tôi mỗi khi cấy cày hay thu hoạch ngô, lúa. Còn về việc học của cháu, tôi có dắt cháu đến lớp mấy lần vì điểm trường thôn cách nhà không đến 300 mét, nhưng cháu nó không chịu học, lần nào cũng trốn về. Các cô giáo và cán bộ thôn có đến nhà vận động cháu đi học nhưng cháu không nghe nên đành chịu…”.
Cháu Tráng Văn Sầu (bên phải) chơi đùa cùng bạn. |
Theo anh Tráng Minh Hiếu, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Khỏe A thì thôn hiện có 59 hộ, 100% dân tộc Dao, trong đó có 45 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. “Với điều kiện kinh tế khó khăn như vậy nên các hộ trong thôn cũng không giúp đỡ được nhiều về vật chất, ai có gì thì cho nấy, người cho mấy bơ gạo, người cho nắm rau, người cho quần áo cũ và thi thoảng vào vụ cấy, hái thì thôn vẫn huy động nhân lực giúp đỡ ông bà về ngày công lao động. Mặc dù nhà nào cũng khó khăn nhưng các hộ trong thôn chưa bao giờ bỏ rơi gia đình ông bà” – Anh Hiếu chia sẻ.
Thuận Hòa là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Vị Xuyên, có gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 90%. Với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo “đông đảo” như vậy, trong khi nguồn lực và sự hỗ trợ của địa phương hạn hẹp nên xã không giúp đỡ được nhiều. “Chúng tôi không bỏ rơi bất kỳ một hộ nghèo nào cả, với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hộ ông Lộc, địa phương vẫn luôn dành sự ưu tiên, quan tâm đặc biệt như hỗ trợ gạo cứu đói vào những tháng giáp hạt, tặng quà, gạo và tiền mặt vào những dịp lễ, tết. Tuy nhiên, vì nguồn hỗ trợ ít, xã cũng rất khó khăn nên không hỗ trợ được nhiều và thường xuyên. Với hộ ông Lộc, chính quyền xã đã phối hợp với các nhà hảo tâm tiến hành đo đạc, định vị để xây nhà tình nghĩa cho gia đình, dự kiến đến hết tháng 9 này, ông bà và cháu sẽ có ngôi nhà mới để ở; sau đó xã sẽ hỗ trợ về con giống như lợn, gà để gia đình ổn định đời sống và kết nối thêm các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để chia sẻ với những khó khăn của các hộ nghèo trên địa bàn chứ không riêng gì hộ ông Lộc…” – Ông Thượng Thái Lương, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hòa cho biết thêm.
Như vậy, cậu bé Tráng Văn Sầu và ông bà của mình không phải suốt ngày ăn hạt mít thay cơm như một số thông tin đã đưa và chính quyền địa phương “vẫn luôn ở đây”, sát cánh cùng gia đình nỗ lực vượt khó vươn lên, ổn định cuộc sống, chứ không phải “ở đâu” và thờ ơ với sự việc như sự phẫn nộ của một số cư dân mạng. Những bình luận trên mạng xã hội là không có cơ sở, chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân nhưng không ít người xem, người đọc đã vội vàng tin và bị kích động, tạo nên làn sóng phẫn nộ không đáng có trên mạng ảo…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc