Những lưu ý để đảm bảo sức khỏe trong mùa mưa lũ
BHG - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện mưa rào và giông; gây ảnh hưởng lớn trong đời sống và sinh hoạt của người dân. Tại các vùng mưa lũ, nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,... theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: Sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như: Tả, lị, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ... Để đảm bảo sức khỏe cũng như phòng, tránh một số bệnh gặp trong mùa mưa lũ, người dân cần lưu ý một số nội dung sau:
1. Thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.
- Cần lựa chọn thực phẩm tươi sống, có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh, an toàn.
- Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn đồ uống. Dùng nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối,... đã qua xử lý hoặc lắng lọc. Nước phải trong, không màu, không mùi, không vị lạ; nếu nguồn nước có nghi ngờ nên đề nghị cơ quan y tế kiểm tra.
- Dụng cụ chứa nước phải đảm bảo sạch, không thôi các chất gây độc.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi - đây là biện pháp tốt nhất để phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa bão lũ. Đối với các thực phẩm không cần nấu chín như các loại quả, thì cần ăn ngay khi vừa bóc vỏ hay cắt ra.
- Chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.
- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại để xác minh và báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế. Phải vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh. Thu hồi toàn bộ các thức ăn đã gây ngộ độc hiện lưu hành trong khu vực hay gia đình để huỷ bỏ, thực hiện ngay công tác vệ sinh loại trừ yếu tố gây ô nhiễm và chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý.
2. Thực hiện tốt công tác phòng, tránh dịch bệnh
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế: để chủ động phòng, tránh dịch bệnh trong mùa mưa lũ, ngoài việc lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh thì mọi người cần phải thực hiện tốt vệ sinh cá nhân hàng ngày cũng như tích cực tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô-tô,... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, người dân nên thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; đồng thời thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác gia súc theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Ngọc Ánh (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc