Nhịp sống mới ở Vĩnh Tuy

07:59, 03/08/2017

BHG - Thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) được xem là nơi hội tụ của 2 dòng sông trước khi về với biển. Một bên là dòng Lô Giang oai hùng, một bên là dòng sông Bạc mặn mòi phù sa cùng bồi đắp cho Vĩnh Tuy - điểm dừng chân đầu tiên khi đến với “cửa ngõ” Hà Giang nơi cực Bắc Tổ quốc...

Chẳng biết tự bao giờ, người ta đã chuyền tai nhau rằng: Muốn ăn canh cá nấu với lá sắn muối chua thì dừng chân tại thị trấn Vĩnh Tuy. Các bậc cao niên sống trong thị trấn cho biết, vùng sông nước nơi đây có nhiều ghềnh thác. Vào mùa sinh sản, các loài cá Lăng chấm, Chiên hồng, Quất, Dầm xanh, Anh vũ, Chày mắt đỏ... từ các nơi đổ về tìm bạn và sinh nở. Phù sa màu mỡ của 2 dòng sông đã nuôi dưỡng làm cho nguồn lợi thuỷ sản trở nên phong phú. Nguồn thức ăn dồi dào từ cá được người dân địa phương chế biến thành các món ăn hấp dẫn. Nổi trội nhất vẫn là món cá Lăng, cá Quất nấu canh lá sắn muối chua ăn vào giữa mùa hè. Cũng từ rất lâu, món ăn từ cá nấu canh lá sắn muối chua đã trở thành món “tủ” để người Vĩnh Tuy đãi khách quý mỗi dịp ghé thăm “cửa ngõ” Hà Giang.

Nhà sàn truyền thống, trạm đón khách Cầu Trì là điểm dừng chân đầu tiên đến với Vĩnh Tuy, đến Hà Giang.
Nhà sàn truyền thống, trạm đón khách Cầu Trì là điểm dừng chân đầu tiên đến với Vĩnh Tuy, đến Hà Giang.

Ngày nay, người Vĩnh Tuy không chỉ dừng lại từ việc khai thác nguồn lợi cá có sẵn trong tự nhiên trên sông như trước đây mà đã chuyển sang tập trung nuôi cá lồng bè. Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tuy, Nguyễn Thị Lam cho biết, trên sông Lô và sông Bạc quanh khu vực thị trấn, chính quyền đã hỗ trợ vốn cho người dân làm lồng bè nuôi cá. Hiện tại, Vĩnh Tuy có 30 lồng bè thả nuôi các giống cá đặc sản. Loài cá được nuôi nhiều nhất là cá Chiên, cá Lăng chấm. Loài cá này có khả năng sinh tồn rất lớn, ít dịch bệnh, phàm ăn, nhanh lớn. Cá Chiên, Lăng chấm nuôi trong lồng khoảng 1 năm có trọng lượng từ 2 đến 2,5 kg/con thì xuất bán. Giá bán bình quân từ 200.000 – 250.000 đ/kg vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng hiện nay. Mỗi lồng bè thả nuôi từ 80 – 120 con, sau 1 năm sẽ thu về từ 450 – 500 triệu đồng/lồng bè thả nuôi. Sau tính toán, trừ chi phí về giống, thức ăn, người nuôi lãi dòng ít nhất từ 120 – 150 triệu đồng/lồng/năm. Lợi thế nuôi cá đặc sản bằng lồng bè trên sông đang được nhân dân từng bước mở rộng. Chị Lam, Chủ tịch UBND thị trấn còn cho rằng, hướng tới Vĩnh Tuy sẽ phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản trên sông gắn với hình thức tổ chức du lịch khám phá, nghỉ dưỡng ngay trên mặt sông nước tại các bè cá. Đến với Vĩnh Tuy mùa này là đến với những vườn đồi xanh mát của vùng chè nằm nép mình 2 bờ Lô giang và sông Bạc. Từ rất lâu, hương vị của chè xanh các thôn Ngòi Cò, Tự Lập đã lan toả khắp mọi miền đất nước. Với 644 ha chè Shan tuyết, mỗi năm người Vĩnh Tuy cung cấp cho người uống trà trong cả nước gần 1.000 tấn chè thành phẩm. Cả thị trấn hiện có 21 cơ sở chế biến chè đặc sản. Nhiều nơi ở châu  Âu, Nhật Bản, Phần Lan đã biết đến các sản phẩm chè chế biến VietGap, LovanGap của Vĩnh Tuy. Người ta cho rằng, đất đai màu mỡ được bồi đắp từ 2 dòng sông lớn trước khi đổ ra biển cho nên, cây chè đã hút lấy sự màu mỡ của đất trồng, hơi mát của sông nước và được cộng hưởng với bàn tay chế biến tài hoa của người dân đã làm cho hương chè nơi này thơm ngậy, lắng đọng lại. Ông Độ Khoa, chủ của một cơ sở chế biến chè xanh nổi tiếng ở thị trấn Vĩnh Tuy bộc bạch, ngày nay thế giới đang vươn tới sự thịnh vượng. Do đó, người uống trà phần nhiều tìm đến các sản phẩm cao cấp. Sự tinh tế trong cách thu hái, chế biến bao nhiêu thì sẽ mang lại sự thịnh vượng của nghề làm chè bấy nhiêu. Cho nên, các sản phẩm chè chất lượng cao, quý và hiếm của gia đình ông làm ra luôn được người uống đón nhận, săn tìm dù giá bán rất cao. Ông Độ Khoa cho biết, từ nay trở đi ông sẽ chỉ làm các sản phẩm chè đặc sản quý và hiếm để bán cho người uống trà mà thôi.

Vĩnh Tuy hiện nay còn là cửa ngõ tập trung buôn bán các loại hàng hoá đặc sắc do người Vĩnh Tuy làm ra. Từ rất lâu rồi, cây cam Sành trồng ở Ba Luồng, Ngòi Cò... đã là đặc sản của vùng cửa ngõ Hà Giang. Cam sành Vĩnh Tuy hiện có trên 360 ha chủ yếu được trồng, thâm canh VietGap. Để tiêu thụ cam, Vĩnh Tuy đã xây dựng chợ đầu mối làm chỗ buôn bán của 167 hộ. Mới đây, Vĩnh Tuy đã “trải thảm đỏ” mời gọi các doanh nghiệp, các tiểu thương vào đây kinh doanh, buôn bán. Hướng phát triển kinh tế được xác định: Tổ chức lại sản xuất và kinh doanh theo “chuỗi” giá trị. Trong đó là: Sản xuất, nuôi trồng tập trung, quy mô vào những cây, con có giá trị kinh tế cao; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên doanh, liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chủ lực để cạnh tranh vươn ra các thị trường lớn. Chiến lược phát triển kinh tế trên đã mang lại thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của Vĩnh Tuy là 58,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đất này chỉ còn 3,49%, tương đương với 31 hộ, con số lý tưởng cho một vùng quê. Kết quả trên còn là sự kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực lâu dài mới có được. Ngày nay, nguồn nhân lực đó càng được chú trọng đầu tư hơn bao giờ hết.

Đến Vĩnh Tuy còn là đến với vùng “cửa ngõ” của nhịp sống mới tại Cụm Công nghiệp Nam Quang có tổng vốn thu hút hàng ngàn tỷ đồng. Và bên cạnh đó, là sự hối hả kẻ bán, người mua ở Trung tâm thị trấn Vĩnh Tuy hình thành từ thời Pháp thuộc nằm kề bên bờ sông Lô, sông Bạc xanh mát...!

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai giảng lớp bồi dưỡng ngạch kế toán viên năm 2017

BHG- Sáng 31.7, tại hội trường lớn Nhà khách Công đoàn, Sở Nội vụ phối hợp với Trường bồi dưỡng cán bộ Tài chính – Bộ Tài chính tổ chức khai giảng lớp học bồi dưỡng ngạch kế toán viên. Tới dự có lãnh đạo sở Nội vụ, lãnh đạo phòng tài chính và hơn 100 học viên. 

31/07/2017
Tìm lại cuộc đời cho người nghiện ma túy

BHG - Đều đặn hàng ngày, anh T, chị H lại cùng nhau vượt quãng đường gần 30 km từ Thanh Thủy (Vị Xuyên) đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để uống Methadone. 

28/07/2017
Hoàng Su Phì và Quang Bình thực hiện tốt đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

BHG - Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, huyện Hoàng Su Phì luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn. Qua đó, kịp thời động viên, tạo điều kiện cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

28/07/2017
Phường Nguyễn Trãi tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2017)

BHG - Chiều 27.7 Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ phường Nguyễn Trãi (TPHG) đã tổ chức gặp mặt các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2017). 

28/07/2017