Nhận diện lũ quét, lũ bùn đá và các biện pháp giảm thiểu tác hại
BHG - Trong những năm gần đây, tình trạng thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp; đặc biệt là hiện tượng lũ quét, lũ bùn đá (LBĐ) xảy ra ở nhiều nơi, với mức độ ngày càng gia tăng; gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái. Vì vậy, chúng ta cần có hiểu biết về hiện tượng lũ quét, LBĐ để có các biện pháp phòng, tránh kịp thời để giảm thiểu tác hại của nó.
Nhận diện:
Khi phát sinh những trận mưa rào có lưu lượng lớn, kèm theo gió bão thì rất có thể xảy ra lũ quét, LBĐ.
Vùng sinh lũ: Là vùng ở thượng lưu nơi tập trung dòng chảy từ mưa được hình thành từ các sườn dốc.
Vùng ảnh hưởng: Khu vực trung lưu có cao độ thấp hơn, thường ở các chân núi. Dòng chảy lũ đã được tập trung nên đủ mạnh để cuốn theo đất, đá, cây cối,... để đổ ra sông, suối.
Vùng có lũ quét: Khu vực hạ lưu các sông, suối liền kề cửa sông. Dòng chảy có năng lượng rất lớn do đã được tập hợp các dòng chảy lũ, bùn đá thành phần từ các tiểu lưu vực.
Do vậy, dòng chảy lũ có khả năng tàn phá rất mạnh những chướng ngại trên đường đi như nhà cửa, công trình thủy lợi, đường giao thông. Thường ở khu vực này là nơi tập trung khu dân cư nên thiệt hại ở khu vực này sẽ rất lớn và trở thành thảm họa khi xảy ra lũ quét cường độ lớn.
- Nguyên nhân:
Ngoài những yếu tố tự nhiên, theo các nhà khoa học, những hoạt động kinh tế chính của con người ở vùng miền núi cũng dẫn đến việc tăng cường lũ quét, LBĐ.
Đó là việc làm mất rừng đầu nguồn; khai thác khoáng sản bừa bãi, thiếu quy hoạch; xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông,... làm cản trở và thu hẹp dòng chảy của các hệ thống.Do tập quán và điều kiện sản xuất, bà con các dân tộc thường lựa chọn sống gần nguồn nước, ven bờ sông,suối; hay trên các sườn núi cao... Đây là những nơi thường hứng chịu nhiều hơn về tần suất xảy ra lũ quét, sạt lở. Ngoài ra còn là do công tác phòng, chống lũ sau bão vẫn chưa được chú trọng.
Các biện pháp giảm thiểu tác hại của lũ quét, lũ bùn đá:
- Áp dụng các các biện pháp hợp lý trong sản xuất, nông, lâm nghiệp để giữ nước, giữ đất, chống xói mòn đất và cạn kiệt nguồn nước. Đặc biệt, chú ý biện pháp trồng và bảo vệ rừng. Quy hoạch cơ sở hạ tầng hợp lý, đặc biệt là bố trí các khu dân cư tránh xa các nơi có nguy cơ lũ quét cao.
Hướng dẫn nhân dân phòng, tránh lũ quét; cách nhận biết và phòng, tránh lũ quét. Sử dụng thiết bị cảnh báo lũ quét tại chỗ và công tác bảo vệ, bảo quản hệ thống thiết bị cảnh báo.Trong các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ bùn đá cần có phương án di dân đến nơi định cư mới. Chúng ta rất quan tâm đến trước và trong cơn bão, nhưng sau khi bão đi qua thì chúng ta lại chủ quan. Vì thế, chính quyền địa phương cùng nhân dân phải tiếp tục cảnh giác để giảm nhẹ tối đa thiệt hại.
BTV (ST)
Ý kiến bạn đọc